Bản tin tháng 08/2007

Đá euclase màu xanh mài giác xuất xứ Columbia

Hình 1: Viên đá euclase hình trái tim, mài giác này xuất xứ từ mỏ đá emerald Chivor thuộc Columbia, nó đặc biệt vì nặng đến 9,50 ct và màu xanh phớt lục mạnh rất đẹp. Hình của C. D. Mengason.

Vào đầu năm 2003, một số tài liệu về đá quý trên thế giới bắt đầu đề cập đến đá euclase màu xanh ở Pauna trong tỉnh Boyacá, nằm về phía bắc thủ đô Bogotá của Columbia thuộc Nam Mỹ. Người  ta cũng nói đến euclase màu xanh có trong mỏ đá emerald Chivor nổi tiếng, cũng nằm trong tỉnh Boyacá. Thỉnh thoảng,  euclase đã được khai thác trong một diện tích nhỏ thuộc mỏ này. Trước kia, khoảng những năm 1980, người ta đã tìm ra euclase khi khai thác emerald ở mỏ Chivor. Tuy nhiên, lúc đó người ta quan tâm quá nhiều đến emerald có giá trị cao, nên bỏ qua euclase.

Gần đây, một số tinh thể euclase màu xanh đẹp, chất lượng quý, đã xuất hiện trên thị trường đá quý Columbia và các viên euclase mài giác đôi khi có trong các lô emerald thành phẩm bày bán ở Bogotá. Euclase mài giác có màu xanh phớt lục từ nhạt đến vừa, phần lớn nhỏ hơn 2 ct.

Viên euclase trong hình 1 thuộc loại đặc biệt, vì nặng đến 9,50 ct và có màu rất đẹp là xanh phớt lục mạnh, mài từ viên đá thô khai thác vào năm 2005. Các tính chất ngọc học của viên đá này đã được GIA (Viện Ngọc Học Hoa Kỳ) giám định: Màu xanh phớt lục mạnh; đa sắc gồm gần không màu, tím nhạt và lục-xanh; chiết suất 1,650 – 1,670; tỷ trọng 3,10; độ cứng 7,5; trơ với tia cực tím sóng dài lẫn ngắn; không thấy có vạch phổ ở kính phổ để bàn. Quan sát phóng đại, thấy có một mặt cát khai lớn, các bao thể tinh thể nhỏ li ti không màu và trong suốt, các sọc đá và đới màu góc cạnh rõ, nằm kề với nhau.

Ngoài Columbia, euclase chất lượng quý còn có ở Brazin và Zimbabwe. Dù vậy euclase vẫn là một loại đá hiếm gặp, ít người biết đến. Hiện nay, sự cung cấp vật liệu này vẫn còn nhỏ giọt, chỉ một số ít viên đẹp đến được viện bảo tàng và nhà sưu tập.

 

Đá fluorite đổi màu

Hình 2: Viên fluorite 10,0 ct này có màu thay đổi rõ, từ xanh dưới ánh sáng trời hay đèn huỳnh quang đến tím dưới ánh sáng vàng nóng. Hình của N. Sturman.

 

 

 

 

 

 

 

 

Fluorite là khoáng vật có sự khác biệt đáng kể ở màu sắc, hình dạng tinh thể và các tính chất quang học – đặc biệt là UV fluorescence (phát huỳnh quang cực tím) lấy từ tên của khoáng này – làm cho nó là một trong những khoáng kỳ lạ nhất. Fluorite biểu hiện đủ các màu và thường có các dãy, đới màu sắc nét và đẹp. Một số fluorite còn có hiện tượng đổi màu rõ, thí dụ như viên fluorite hình tam giác nặng 10 ct trong hình 2 có đặc tính này.

Với ánh sáng đèn huỳnh quang hoặc ánh sáng mặt trời gián tiếp, viên đá có màu xanh vừa, nhưng với ánh sáng vàng nóng nó chuyển thành màu tím vừa (hình 2). Dưới phóng đại, thấy dãy màu dợn sóng rõ, nó liên quan với các mặt phẳng rất nhỏ chứa những bao thể li ti dạng đầu kim. Ở một đầu nhọn viên đá có một mẻ nhỏ do cát khai. Với kính phổ, viên đá có dãy hấp thu vùng màu vàng-cam và một chút ở vùng tím. Qua kính Chelsea thấy đá có màu đỏ rất mạnh. Mặc dù fluorite thường phát huỳnh quang cực tím, nhưng viên đá này lại trơ.

Những đặc tính nêu trên của viên đá khá giống với các tài liệu nghiên cứu đã nêu về những đá fluorite đổi màu do bức xạ. Tuy nhiên hiện nay vẫn chưa thể xác định được sự bức xạ là do tự nhiên hay nhân tạo.

 

Herderite từ Pakistan

Hình 3: Hai viên đá mài giác (2,06 và 5,52 ct) và một tinh thể (70 ct) heredite từ phía bắc Pakistan. Hình của C. D. Mengason.

Tên đá này nghe thật lạ, nó cũng là một loại hiếm như đá euclase nêu trên. Vài năm qua, người ta đã nói đến herderite [công thức khoáng vật là CaBePO4(F,OH)] hiện diện trong đá granit pegmatit ở khu vực phía bắc Pakistan. Một khách hàng cho GIA mượn các mẫu đá màu lục phớt vàng trong hình 3, cho biết chúng xuất xứ từ thung lũng Shigar, cũng như từ 2 địa danh nổi tiếng là Skardu và Gilit nhờ buôn bán khoáng vật và đá quý. Nguồn chính cho đá herderite chất lượng quý là mỏ Kandahar thuộc Baha trong thung lũng Braldu (cách Skardu 35 km về phía bắc) và mỏ mới ở gần Doko trong thung lũng Basha.

Các tính chất ngọc học của 2 mẫu mài giác: màu lục từ nhạt đến nhạt vừa; đa sắc: cả hai viên có màu lục từ yếu đến vừa và lục phớt vàng; trong suốt; chiết suất 1,587 – 1,616; tỷ trọng 3,02 và 3,04; không thay đổi với kính lọc Chelsea; phát huỳnh quang: màu xanh vừa đến yếu và xanh vừa đến mạnh ở UV sóng dài, màu tím xanh yếu và tím xanh vừa ở UV sóng ngắn; vạch phổ hấp thu yếu ở 585 nm. Dưới phóng đại cả hai mẫu đều biểu hiện hiệu ứng hình kép vừa đến mạnh và nhiều khe nứt lấp đầy có các tinh thể âm 2 pha gồm dung dịch và khí.

Đá herderite thành phẩm được bày bán khá nhiều ở các chợ đá quý phía bắc Pakistan. Mặc dù hay được gọi tắt là herderite, nhưng tên khoáng vật chính thức của chúng là hydroxyl-herderite.  

 

Jeremejevite từ Myanmar và Sri Lanka

Chúng ta lại biết thêm một đá quý lạ nữa. Chúng lạ vì chúng rất hiếm và ít người biết đến, chỉ có những thị trường địa phương cục bộ mới bày bán chúng. Thường thì trong quá trình khai thác các vật liệu chính nào đó ở mỏ, người ta nhặt được chúng, thấy chúng có màu đẹp, trong và khá cứng nên đã lấy mài thử và thế là chúng được đưa ra thị trường đá quý.

Hình 4: Hình bên phải là các viên jeremejevite từ Sri Lanka (hình giọt nước 5,26 ct) và từ Myanmar (hình chữ nhật 1,34 ct). Hình của C. D. Mengason.

Hình bên trái: Các tinh thể jeremejevite từ Myanmar hình lăng trụ và thường có chất lượng quý. Tinh thể bên trái cỡ 21,6 x 5,4 mm. Hình của Wimon Manorotkul.

Jeremejevite là một đá quý hiếm, chủ yếu có ở Namibia và núi Parmir ở Tajikistan (tài liệu năm 2001). Năm 2004, người ta đề cập đến một viên jeremejevite 7,88 ct gần không màu gốc ở Madagasca. Đến 2006, mọi người hết sức ngạc nhiên khi có đến hai địa điểm mới tìm được khoáng vật hiếm này, đó là Myanmar và Sri Lanka.

Năm 2006, tạp chí Australian Gemmologist số 22 đã đưa tin về đá jeremejevite ở Myanmar. Bài viết đề cập một viên jeremejevite mài giác 4,35 ct và các tinh thể có thể to đến 4,0 x 1,3 cm. Chúng từ không màu đến vàng nhạt, được khai thác từ bồi tích sông. Nguồn jeremejevite gốc là từ các thể đá pegmatit trong núi Loi-Sau, cách Mogok 19 km về phía bắc; một số tinh thể tourmaline hồng và thạch anh cũng đã được khai thác từ mỏ này. Theo nguồn tin, jeremejevite ở Myanmar đã được khai thác hơn 2 năm nay. Các tinh thể có hình dạng tốt đã được tìm thấy, phía đầu các tinh thể có dạng tháp hay phẳng (hình 4 trái).

Cuối năm 2005, GIA đã kiểm tra một viên jeremejevite 1,34 ct hình chữ nhật (hình 4 phải). Các tính chất ngọc học của nó: màu cam phớt vàng nhạt; chiết suất 1,643 – 1,650; tỷ trọng 3,29; phát huỳnh quang cực tím: trơ với sóng dài và vàng yếu với sóng ngắn; không có phổ hấp thu đặc trưng. Các tạp chất bên trong gồm: sọc tăng trưởng góc cạnh, ống tăng trưởng, các bao thể 2 pha.

Viên jeremejevite được mang đến GIA vào tháng 9, 2005. Viên đá mài giác nặng 5,26 ct không màu (hình 4 phải), xuất xứ từ Ratnapura thuộc Sri Lanka. Các tính chất ngọc học của viên đá: không màu; chiết suất 1,640 – 1,649; tỷ trọng 3,29; phát huỳnh quang cực tím: trơ với cả hai sóng dài và ngắn; không có phổ hấp thu. Các tạp chất bên trong: một dãy dài các mặt nhỏ góc cạnh, có màu trắng, vàng đến cam; các bao thể dung dịch nguyên sinh. Tháng 6, 2006 một số viên jeremejevite khác cũng đã được tìm thấy ở Ratnapura và chúng cũng có thể mài giác được, thành phẩm có thể nặng 2 ct.

 

Opal màu hồng ở Monte Rosa, Peru

Hình 5: Trái: Mẫu opal hồng đậm này dài 9 cm, được khai thác tại một nơi hoàn toàn mới ở Peru là Monte Rosa. Phải: Mẫu opal hồng dài 7 cm cũng ở Monte Rosa. Bên trong hốc là thạch anh dạng tinh đám mọc phủ lên opal hồng. Bao xung quanh opal hồng là lớp opal trắng sữa và lớp mỏng trên cùng là opal không màu dạng chùm nho tiêu biểu cho giai đoạn tích tụ cuối cùng trong thể mạch. Hình của J. Hyrsh.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Peru là một nơi sản xuất quan trọng một số đá quý, đặc biệt là đá chrysocolla, opal xanh và opal hồng ở mỏ Acari gần Nazca (cách thủ đô Lima 460 km về phía nam), cũng như các đá nhóm oxit silic (chalcedony) ở mỏ Lily gần Pisco, cách Lima 150 km về phía nam. Opal hồng là một hỗn hợp của opal với khoáng sét palygorskite dạng sợi, còn màu thì do hợp chất hữu cơ gọi là quinones (sắc tố thực vật) tạo ra (theo E. Fristsch, “Quan hệ giữa vi cấu trúc và hấp thu quang học trong opal hồng dạng sợi ở Mexico và Peru”, 2004). Opal màu xanh và hồng có lẽ được tạo ra trong môi trường núi lửa trong hồ.

Opal hồng ở mỏ Acari chủ yếu là chất lượng trung bình và hiếm lắm mới có một mảnh lớn đồng màu đủ để mài thành đá quý. Opal hồng chất lượng tốt hơn nhiều đã được phát hiện vào năm 2002 ở Monte Rosa, cách Lima 250 km về phía đông nam (hình 5). Hiện nay khoảng 60 người đang dùng các phương tiện thô sơ để khai thác mỏ trong các đường hầm sâu khoảng 100 m dưới mặt đất. Opal màu hồng đậm hình thành trong các mạch dày đến 30 cm. Thỉnh thoảng các mạch này còn có một vật liệu mềm, dạng sợi của sét palygorskite màu trắng. Hầu hết opal đều tích tụ trong các hốc trống, đôi khi bề mặt hốc lấp lánh do những tinh đám thạch anh phủ lên opal (hình 5). Ở một số mẫu, opal hồng bị bao quanh bởi lớp opal màu trắng sữa. Pha tích tụ cuối cùng là lớp bên ngoài của opal không màu kết dạng chùm nho, dày 7 mm, loại này thường phát huỳnh quang màu lục với UV sóng ngắn. Ở mỏ Monte Rosa này chưa tìm thấy opal màu xanh.

Các tính chất ngọc học của opal hồng Monte Rosa: chiết suất 1,475; tỷ trọng 2,18 – 2,25; độ cứng 6; phát huỳnh quang UV: trơ với sóng ngắn, màu trắng phớt hồng yếu với sóng dài. Những tính chất này giống với của opal mỏ Acari. Phân tích nhiễu xạ tia X, phát hiện vật liệu này là hỗn hợp của opal, sét palygorskite và một ít chalcedony. Mỏ opal Monte Rosa có trữ lượng lớn. Vật liệu này có kích thước lớn và màu sắc đều nên có thể chạm trỗ các hình mỹ thuật to đến 60 cm. Sản phẩm từ  đá này đã xuất hiện tại các triển lãm đá quý thế giới.

 

Câu chuyện về đá prehnite ở Úc

Hình 6: Bộ sưu tập đá prehnite chất lượng cao ở Úc trong hình là của GIA (no. 32980-32984). Chúng gồm ba viên dạng cabochon nặng 9,52 -45,80 ct và hai viên mài giác 1,55 - 7,19 ct. Hình của C. D. Mengason.

Năm 2001, các tài liệu quốc tế đã đề cập đến prehnite chất lượng quý ở Wave Hill, thuộc vùng lãnh thổ phía bắc nước Úc. Trong triển lãm đá quý ở Tucson, Arizona Mỹ,  GIA đã trưng bày một số mẫu đá prehnite mới từ địa phương trên (hình 6), bộ sưu tập này đã do ông Robert Sielecki trao tặng.

Đầu năm 2005, công ty của ông Sielecki đã bắt đầu khai thác prehnite tại một khu vực thuộc Wave Hill sau khi đã thăm dò đến 30 năm. Mỏ nằm ở gần một thị trấn nhỏ Kalkarindji bên rìa sa mạc Tanami, cách thành phố Darwin 885 km về phía nam. Ông Sielecki cho rằng vùng này chịu những đợt phun trào bazan cổ thời đầu kỷ Cambri, tạo điều kiện sinh thành một số khoáng vật như prehnite, scolecite, canxit, agat, thạch anh tím và ám khói.

Theo dự tính ban đầu, khoảng 3% prehnite khai thác đạt chất lượng quý, có thể mài cabochon hay mài giác, 95% trong số đó có màu lục phớt vàng và phần còn lại là vàng. Còn hiện nay, nhiều viên đá nhỏ mài giác đã được cắt mài từ các viên đá có bề mặt bị phong hóa, nghĩa là tỷ lệ đá chất lượng quý tăng lên nhiều hơn. Những viên chất lượng thấp hơn sẽ được mài hạt, hàng chạm và mỹ nghệ.

Hình 7: Viên cabochon prehnite lớn nhất trong hình 6 bên trên chứa hình bông hoa, đó là cấu trúc sợi tỏa tia của prehnite. Hình của C. D. Mengason.

Ông Sielecki đã tiếp thị đá prehnite màu lục phớt vàng với tên là “SunJade –Cẩm thạch mặt trời” và loại màu vàng là “Golden SunJade –Cẩm thạch mặt trời vàng kim”, còn những viên nào có cấu trúc tỏa tia như bông hoa nở thì có tên là “Flower SunJade –Cẩm thạch hoa mặt trời” (hình 7). Ông cho biết, bản chất dạng sợi của prehnite có thể làm cho các đá cabochon có hiệu ứng mắt mèo hay hiệu ứng ánh trăng. Viên cabochon prehnite có hiệu ứng ánh trăng lớn nhất hiện nay nặng 61 ct.

Qua câu chuyện kể trên ta thấy từ việc phát hiện một loại đá quý tại địa phương, cho đến lúc khai thác và tiếp thị sản phẩm là một quá trình dài, tốn biết bao công sức và tâm huyết.

 

 

 

 

 

 Prehnite hình trái banh ở Mali

Hình 8: Trái: prehinte thô hình trái banh cộng sinh với các tinh thể epidote đen ở vùng Kayes thuộc Mali (mẫu cao 5,1 cm). Hình của Jeff Scovil. Phải: đa số prehnite ở Mali được mài dạng hạt, một lượng nhỏ được mài theo dạng cabochon và giác (trong hình từ 1,62 – 17,91 ct). Hình của Maha Calderon.

Vào năm 1994, garnet (grossular-andradite) chất lượng quý đã được tìm thấy trong tỉnh Kayes, phía tây Cộng Hòa Mali (một quốc gia ở phía tây Châu Phi). Việc khai thác bắt đầu ở các mỏ bồi tích rồi tiến vào lớp đá gốc, chẳng bao lâu sau thì cạn kiệt, người ta đã lấy được hơn 13 tấn garnet ở đó. Tuy nhiên tỉnh Kayes vẫn tiếp tục khai thác quy mô nhỏ các đá garnet, epidote, chalcedony, vesuvianite và prehnite.

Chợ đá quý ở thủ đô Bamako của Mali bày bán nhiều loại, tuy nhiên garnet và prehnite là chủ yếu. Có gian hàng chất đống toàn prehnite màu lục táo cao hơn 1 mét, tuy nhiên vật liệu này hầu hết bị phong hóa và bị oxit sắt làm ố màu. Loại prehnite thô đã gọt rửa lớp vỏ phong hóa, được đóng thành từng bao 120 kg để gởi đến các xưởng mài ở Á Châu (chủ yếu mài dạng hạt, đôi khi mài cabochon và mài giác – hình 8 phải).

Hai địa phương trong tỉnh Kayes có nhiều prehnite là Bendoukou và Baga. Các tích tụ khoáng hóa prehnite, epidote, garnet, vesuviante trong các đá gốc silicate vôi tiếp xúc với những thể đá xâm nhập lớn diabase. Các prehnite khai thác được thường có dạng mảnh màu lục xám, lục xanh và lục vàng, thường dày 2-5 cm, có khi đến 10 cm. Cũng tìm thấy prehnite dạng trái banh, mọc xen với các tinh thể epidote màu đen, dài đến 5 cm (hình 8 trái).

Các tính chất ngọc học của prehnite Bali: màu lục phớt xám từ nhạt đến vừa và màu vàng; từ trong suốt đến bán trong suốt; chiết suất 1,617-1,619 đến 1,643-1,645; tỷ trọng 2,92-2,93; với kính Chelsea, thấy đá màu lục thành màu đỏ rất yếu, đá màu vàng không thay đổi; huỳnh quang cực tím: trơ với cả sóng dài và sóng ngắn; không có phổ hấp thu đặc trưng. Quan sát dưới phóng đại thấy cấu trúc tập hợp sợi dợn sóng, đôi khi biểu hiện tỏa tia, dấu vân tay, mây đục, những màn mỏng phản chiếu và cấu tạo đới yếu, không đều.

 

Saphia có bao thể lạ

Hình 9: Trái: viên saphia 3,56 ct có bao thể bất thường. Giữa: bao thể hình kim với những đoạn cong. Phải: bao thể hình kim hơi dợn sóng. Hình của G. Ghoudhary.

Trong hình 9 bên trái là viên đá màu hình nệm, màu xanh 3,56 ct. Tỷ trọng đo được 3,99 và chiết suất là 1,760-1,770 khẳng định là đá saphia.

Phóng đại,  bên trong viên đá có ba loại bao thể rất lạ. Loại có dạng hình kim dài và song song nhau, dọc theo chiều dài một số kim có các đoạn nhỏ uốn cong nhô lên (hình 9 giữa) trông rất lạ. Loại thứ hai là bao thể hình kim hay sợi dài, hơi bị uốn dợn (hình 9 phải). Hình dáng của hai loại bao thể trên trông giống với kiểu của các kênh ăn mòn trong các đá quý khác như scapolite hay kim cương. Ngoài ra viên saphia này còn có một bao thể màu nâu phớt đỏ đến trắng, có tiết diện lục giác giống hình của gậy hockey, vẻ của nó thay đổi  từ dạng lấm tấm, dợn sóng đến dạng mây, có đoạn nó có hình ống chứa các chất lấp đầy từ bên ngoài vào. Khảo sát kỹ hơn, thấy có các bao thể hiển thị 3 phương của các tấm nhỏ và kim ngắn, sắp xếp cách nhau 60o. Đây là đặc điểm khẳng định viên saphia là hoàn toàn tự nhiên không hề bị xử lý nhiệt cao. Quả thật, thiên nhiên có nhiều điều lạ.