Bản tin tháng 04/2007

Các loại ngọc trai

Ngọc trai chia làm 2 nhóm chính: tự nhiên và nuôi.

Ngọc trai tự nhiên hình thành khi một vật lạ từ bên ngoài rơi vào bên trong thân, gây khó chịu cho loài trai tạo ngọc, con vật tiết ra những lớp ngọc (còn gọi là xà cừ) bao lấy vật lạ, tạo nên ngọc trai (hình 9).

Ngọc trai  tự nhiên đã có một lịch sử phong phú và lâu dài với vai trò là vật trang sức. Tuy nhiên, ngày nay chúng rất hiếm trên thị trường.

Hình 1: Ngọc trai đen vùng biển Tahiti, là một loại ngọc nuôi nước mặn có giá trị rất cao.

Ngọc trai nuôi hình thành cũng giống như ngọc trai tự nhiên, tuy nhiên cần sự can thiệp của con người để bắt đầu quá trình tạo ngọc, đó là cấy nhân để tạo ngọc và con trai tạo ngọc được chăm sóc tại các bè nuôi. Nhân có thể là dạng hạt hay một mẫu mô lớp choàng (thịt của loài nhuyễn thể). Ngọc trai nuôi cũng giống như ngọc tự nhiên là có hai nguồn gốc nước ngọt hay nước mặn.

Ngọc trai nuôi nước mặn (hình 1) hình thành chủ yếu do một nhân dạng hạt (thường làm từ lớp vỏ xà cừ) và một mẫu mô lớp choàng được cấy vào bên trong con nhuyễn thể nước mặn tạo ngọc (gọi là hàu hay trai nước mặn – oyster). Sau khi cấy, hàu được đưa trở lại nước mặn và nó sống ở đó trong một hay nhiều năm nữa. Đầu tiên, hàu tiết ra một lớp chất hữu cơ gọi là conchiolin phủ lên nhân, sau đó là các lớp xà cừ.

Ngọc trai nuôi nước ngọt thường hình thành do một mẫu mô lớp choàng được cấy vào bên trong một con nhuyễn thể nước ngọt tạo ngọc (gọi là con trai sông hay trai nước ngọt – mussel). Sau khi cấy, trai sông được đưa trở lại nước ngọt. Con vật bắt đầu tiết ra một lớp chất hữu cơ conchiolin, rồi kế đó là những lớp xà cừ.

Hiện nay trên thị trường, rất ít ngọc trai nuôi nước ngọt có nhân là hạt rắn mà chủ là nhân cấy mô mềm và được nuôi trên nhiều vùng khác nhau trên thế giới.

 

Sản xuất ngọc trai

Hình 2: Quang cảnh trại nuôi ngọc trai Akoya ở vùng biển Nhật Bản, gồm các bè thấp và bè cột để giữ các con trai tạo ngọc.

 

 

 

 

 

 

 

 

Các trại sản xuất ngọc trai ở vùng nước ngọt hay nước mặn đều tạo các bè thấp để nuôi các con trai tạo ngọc (hình 2).

Sản xuất ngọc trai nuôi nước mặn:

Hình 3: Hàu Akoya, tên khoa học Pinctada fucata đã được nuôi tại các vùng biển Nhật Bản từ xa xưa đến giờ.

• Con trai nước mặn (còn gọi là hàu) Akoya truyền thống, tên khoa học Pinctada fucata (hình 3), được người Nhật nuôi lấy ngọc thương mại đầu tiên. Ngày nay ngọc Akoya vẫn được nuôi ở Nhật và Trung Quốc. Kích thước ngọc trung bình 6 – 7 mm, nhỏ nhất là 2 và lớn nhất là 10 mm. Màu ngọc thường là trắng đến kem, nhưng cũng có những màu khác.

• Ngọc trai nuôi ở các vùng biển Nam bán cầu (South Sea) trong các con hàu có mép vỏ màu vàng hay bạc, tên là Pincata maxima. Chúng được nuôi trong các vùng biển ở Ấn Độ, Myanma thuộc Ấn Độ Dương và xung quanh Úc châu, Indonesia, Philipin… thuộc Thái Bình Dương. Kích thước ngọc hầu hết khoảng từ 8 đến 14 mm. Màu ngọc từ trắng, xám đến vàng kim (hình 4).

Hình 4: Con hàu mép bạc (hình dãy trên) và hàu mép vàng (dãy dưới) có tên khoa học là Pincata maxima, là loài được nuôi nhiều ở các vùng biển phía Nam bán cầu (South Sea) để lấy ngọc.

• Ngọc trai nuôi Tahiti màu đen từ các con hàu mép vỏ màu đen, tên là Pincata margaritifera. Chúng được nuôi trong vùng biển Polynesia thuộc Pháp, nằm ở phần phía Nam của Thái Bình Dương.  Kích thước tiêu biểu từ 8 đến 14 mm. Màu ngọc thường là đen hay xám. Ngọc trai màu đen này cũng có thể có ánh màu lục hoặc tím hồng, do hiện tượng tán sắc gây ra (hình 5).

Hình 5: Hàu có tên Pincata margaritifera tạo ngọc trai đen Tahiti nổi tiếng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sản xuất ngọc trai nuôi nước ngọt:

Ngọc trai nuôi nước ngọt rất đa dạng, nhiều kích cỡ, hình dạng và màu sắc.

Hình 6: Con trai và ngọc trai nước ngọt Biwa lâu đời ở Nhật .

• Ngọc trai nuôi nước ngọt thành công trên thị trường đầu tiên đến từ Nhật Bản, khoảng cuối những năm 1920. Ngọc được nuôi tại hồ Biwa bởi loài trai nước ngọt Hyriopsis schlegeli (hình 6), gần cố đô Kyoto. Về sau, do chất lượng cao (ánh xà cừ mạnh), các tiêu chuẩn của ngọc tại hồ này được dùng cho toàn bộ ngọc nuôi nước ngọt. Tên gọi Biwa có nghĩa là ngọc nuôi nước ngọt chất lượng cao.

Hình 7: Con trai nước ngọt Cristaria plicata và ngọc.

 

 

Sản xuất ngọc trai nuôi nước ngọt trước kia dùng các con trai có vỏ nhăn nhúm, tên gọi là Cristaria plicata (hình 7). Loại trai này sống ở trong các dòng sông và hồ ở Trung Quốc, Việt Nam, Nhật, Hàn Quốc…Chúng là nguồn tạo một lượng lớn ngọc nuôi nước ngọt Trung Quốc suốt những năm 1970 và 1980, có dạng dẹp không đều, giống hình dạng của loại ngũ cốc chế biến dùng ăn điểm tâm nổi tiếng tên gọi “Rice Krispie”.

• Ngày nay, Trung Quốc là nguồn cung cấp chủ yếu ngọc trai nuôi nước ngọt. Loài nhuyễn thể chính dùng nuôi ngọc là trai nước ngọt hình tam giác Hyriopsis cumingi. Kích thước phổ biến từ 4 đến lớn hơn 10 mm một chút. Màu ngọc từ trắng đến kem, cam và tím.

• Phần lớn ngọc trai nuôi nước ngọt ở Mỹ là từ con trai loài Megalonaias nervosa, có vỏ rộng gấp nếp giống như tấm để giặt đồ.

Hình 8: Con trai nước ngọt Hyriopsis cumingi được nuôi phổ biến tại Trung Quốc cung cấp nhiều loại ngọc với màu và hình dạng khác nhau.

 

Tổng quan, việc phân biệt ngọc nguồn gốc nước ngọt hay nước mặn sẽ không quan trọng bằng phân biệt ngọc nuôi hay tự nhiên. Như đã đề cập bên trên, ngọc trai tự nhiên hiện nay không còn phổ biến trên trị trường nữa, đại đa số ngọc trên thị trường đều là nuôi.

 

 

 

 

7 Yếu tố chất lượng ngọc trai của GIA

Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) đưa ra 7 tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng ngọc trai:

1- Kích thước: Kích thước ngọc trai dựa vào milimét. Nếu những yếu tố khác giống nhau thì viên nào lớn hơn sẽ có giá trị hơn.

2- Hình dạng: Có 3 loại dạng chính ở ngọc trai và theo mức độ ưa chuộng từ cao đến thấp là hình cầu, hình đối xứng, hình uốn éo (baroque). Dạng đối xứng thường gặp như hình quả trứng. Dạng uốn éo là hình dạng không đều.  

3- Màu sắc: Với ngọc trai nuôi, chú ý đến màu thân và sắc phủ nếu có. Màu thân là màu chính của viên ngọc, còn sắc phủ liên quan đến một hay nhiều màu trong mờ phủ lên thân viên ngọc (giống như trường hợp ửng hồng trên đôi má). Thành phần thứ 3 của màu là màu tán sắc (còn gọi là màu xà cừ hay màu cầu vồng). Khi hiện diện, các màu tán sắc này có vẻ di chuyển bên trên hay bên dưới bề mặt khi dịch chuyển viên ngọc.

4- Ánh: Là mức độ phản chiếu ánh sáng từ bề mặt viên ngọc. Thông thường, ánh càng mạnh thì viên ngọc càng có giá trị. GIA dùng các từ cực cao (excellent), cao (good) và trung bình (fair) để mô tả ánh ở ngọc trai nuôi.

5- Chất lượng bề mặt: Là các dấu vết bất thường hoặc tính không đều ở bề mặt viên ngọc. Các dấu vết gồm có các vết lồi, hốc, vết tưa, các đốm. Tính dễ thấy và không đều ảnh hưởng xấu đến giá trị. Rất ít ngọc trai có bề mặt hoàn toàn không có dấu vết.

6- Chất lượng lớp ngọc: Lớp ngọc còn gọi là lớp xà cừ, bao xung quanh nhân, gồm nhiều lớp mỏng tinh thể aragonit (cacbonat canxi) và chất sừng hữu cơ conchiolin (hình 9). Lớp này có giá trị càng cao khi càng dày và ánh càng mạnh.

 

Hình 9: Bên trái là sơ đồ viên ngọc trai tự nhiên, phần trắng là các lớp ngọc rất dày bao xung quanh một vật thể lạ nhỏ màu nâu, phần màu vàng bên ngoài là lớp choàng tiết ra vật liệu để tạo vỏ bao và ngọc. Bên phải là sơ đồ các lớp ngọc (lớp xà cừ), gồm những lớp chứa tinh thể aragonit (cacbonat canxi) và conchiolin (chất sừng hữu cơ) .

 

 

 

 

 

 

 

7- Tính phù hợp: Là mức độ đồng nhất hay phù hợp giữa các viên ngọc trong cùng một chuỗi hay một bộ nữ trang. Mức độ đồng nhất này đánh giá theo 6 tiêu chuẩn nêu trên.

 

Xác định ngọc trai tự nhiên hay nuôi

Khi quan sát viên ngọc trai, có 3 khả năng xảy ra: đó là ngọc tự nhiên, nuôi hoặc là ngọc giả.  

Ngọc trai nuôi và tự nhiên có vẻ ngoài rất giống nhau nên rất khó phân biệt, tuy nhiên phía bên trong, chúng có cấu trúc và thành phần khác nhau. Thông thường để phân biệt, thường dựa vào nhân và lớp ngọc. Ngọc trai tự nhiên có nhân rất nhỏ, nhiều khi không thể quan sát được nhân, còn các lớp ngọc thì rất dày và có cấu trúc đồng tâm. Ngược lại, ngọc nuôi có nhân rất lớn và lớp ngọc thường mỏng, ranh giới giữa nhân và lớp ngọc rất rõ ràng. Như vậy phải quan sát sâu vào bên trong viên ngọc mới xác định được ngọc là tự nhiên hay nuôi.

• Cưa đôi viên ngọc. Để khẳng định ngọc trai là nuôi hay tự nhiên, ta phải phá mẫu (cưa đôi viên ngọc) để quan sát cấu trúc bên trong, tuy nhiên việc phá mẫu là điều bất đắc dĩ và phải được phép của chủ hàng. 

• Hình phim tia X. Lấy ý tưởng từ chụp phim X quang khảo sát xương bị gãy, phần xương cản tia X nhiều hơn nên sáng ra trên phim, giúp nhìn thấy rõ xương.

Nhân hình hạt trong ngọc nuôi thì đặc sít hơn và ít trong suốt hơn các lớp ngọc vây quanh. Do đó ranh giới của nhân tròn cạnh hiện ra khá rõ trên phim tia X (hình 10, ở giữa).

Trong khi đó, trên phim tia X, ngọc trai tự nhiên luôn cho thấy các vòng đồng tâm của những lớp ngọc (giống như các vòng tăng trưởng của cây), không có hoặc có một nhân rất nhỏ (hình 10 bên trái).

Trường hợp nhân ở ngọc trai nuôi không phải là hạt mà là mô mềm được cấy vào thì việc phân biệt giữa ngọc nuôi và tự nhiên sẽ khó hơn, vì cả hai đều không thấy có nhân dạng hạt tròn cạnh. 

Hình 10: Hình phim tia X giúp xác định các viên ngọc trai. Bên trái là ngọc tự nhiên, thấy cấu trúc các lớp ngọc đồng tâm, không thấy có nhân. Ở giữa là ngọc nuôi vừa có nhân hạt tròn to và nhân mô mềm. Bên phải là ngọc có nhân mô mềm. Bên phải và trái thấy hình chữ nhật màu xám là lỗ khoan để xỏ dây.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Mẫu mô lớp choàng được cấy vào loài nhuyễn thể để kích thích tạo ngọc, đã để lại một hốc nhỏ bên trong viên ngọc. Khoảng trống này cho phép tia X đi qua tối đa, cho nên trên phim tia X, khoảng trống hiện lên bằng một hình nhỏ, dạng không đều, màu tối hoặc đen và thường ở giữa viên ngọc. Người có kinh nghiệm có thể phát hiện hốc trống này. Nếu thấy không rõ hốc tối  thì nên chụp viên ngọc ở một số phương khác nhau. Nếu nhìn thấy rõ hốc tối, có thể kết luận là ngọc trai nuôi bằng mô mềm (hình 10 bên phải) vì ngọc tự nhiên chỉ có các lớp ngọc.

Ngoài phương pháp hình phim tia X, để xác định là ngọc trai nuôi hay tự nhiên thì có thể sử dụng thêm các phương pháp ngọc học cơ bản:

• Tìm nhân bằng lớp conchiolin sát nhân hạt bên dưới lỗ khoan với kính phóng đại 10 lần và ánh sáng mạnh. Chú ý phát hiện nhân hạt tròn bằng cách tìm lớp conchiolin hữu cơ màu nâu (hình 9) luôn nằm giữa nhân hạt và các lớp ngọc trong ngọc trai nuôi. Nếu không thấy được nhân hạt, chưa thể kết luận là ngọc tự nhiên vì:

- Có thể đó là viên ngọc nuôi cấy mô nên không có nhân hạt.

- Lớp ngọc khá dày làm cho bạn nhìn xuống dưới không thấy được nhân hạt.

- Lớp conchiolin giữa nhân hạt và các lớp ngọc quá mỏng nên khó thấy.

- Có khả năng lớp conchiolin này là một trong các vòng tăng trưởng tự nhiên nên chưa tìm thấy được lớp conchiolin sát nhân hạt.

• Kiểm tra sự lấp lánh. Xoay viên ngọc dưới nguồn sáng mạnh. Bạn nhìn xuyên qua lớp ngọc của viên ngọc nuôi nhân hạt, có thể thấy các vùng bóng trên mặt nhân hạt bằng vỏ xà cừ lóe sáng hay lấp lánh. Điều này chỉ có thể thấy được khi lớp ngọc nuôi khá mỏng và bề mặt nhân hạt phải bóng, ánh sánh mới có thể xuyên qua lớp ngọc và phản chiếu được trở lại khi tiếp xúc bề mặt hạt nhân. Trên thị trường gọi các vùng lấp lánh này là “điểm nóng”, vì chúng có vẻ sáng hơn bề mặt của lớp ngọc.

• Tìm cấu trúc nhân song song và uốn dợn. Dùng nguồn sáng nóng và hội tụ chiếu thẳng vào viên ngọc. Có thể nhìn thấy được cấu trúc dãy uốn dợn song song của nhân hạt bằng vỏ sò, dĩ nhiên là chỉ có thể nhìn thấy được khi lớp ngọc nuôi mỏng. 

 

Xác định ngọc trai giả  

Người ta chế tạo ngọc trai giả để thay thế cả hai loại ngọc trai nước ngọt và nước mặn. Chúng thường được làm bằng thủy tinh, chất dẻo, sáp hay vỏ sò và được phủ bên ngoài bằng những chất liệu khác nhau (hình 12) nhằm làm cho giống vẻ ngoài của ngọc nuôi và tự nhiên. Khảo sát và kiểm tra bằng những phương pháp ngọc học cơ bản là có thể phân biệt được ngọc giả với 2 loại kia.

• Đo chiết suất:  Ngọc trai tự nhiên và ngọc nuôi đều được cấu tạo từ cácbonat, do đó chúng thể hiện tính lưỡng chiết đối với chiết suất kế. Còn thủy tinh, chất dẽo và sáp là vật liệu không cấu trúc (vô định hình) nên không có tính lưỡng chiết.

• Quan sát qua lỗ khoan dưới phóng đại 10 lần. Với ngọc giả bằng nhân thủy tinh, có thể không thấy sự khác biệt giữa nhân và lớp phủ ngoài. Ngay rìa lỗ khoan, lớp phủ của ngọc giả có thể bị tưa cạnh, còn ở ngọc trai nuôi và tự nhiên thì rìa lỗ khoan rất sắc nét.  

• Quan sát bề mặt phóng đại 50 lần. Thấy trên bề mặt của ngọc nuôi và tự nhiên có các rãnh dạng bậc thang và các rãnh này chồng chất lên nhau, nhìn giống như các sợi chỉ giải phẩu. Khi đó bề mặt ngọc giả thì đều và mướt.

• Thử bằng cà răng. Bề mặt của ngọc nuôi và tự nhiên thì không đều, cho nên ta có cảm giác lợn cợn hay thô nhám khi dùng các răng cửa cắn và cà nhẹ vào ngọc trai. Với ngọc giả thì có cảm giác trơn trượt do mướt khi thử. Phải hết sức cẩn thận khi thử bằng phương pháp này và kết quả chưa phải là kết luận cuối cùng.

Hình 12: Các dạng ngọc trai nhân tạo làm tại Việt Nam của công ty Can Phu ở Bình Chánh. Hình a: Ngọc làm bằng vỏ sò; b: Ngọc bằng thủy tinh; c: Ngọc bằng chất dẻo; d: Các kiểu hình dáng và màu của ngọc nhân tạo. Hình a, b và d nhìn rất giống ngọc trai.

Một ghi nhớ nữa, với ngọc trai giả có tên thương hiệu nổi tiếng là Majorica, sẽ không phân biệt được chúng bằng hình phim tia X, vì ngọc này chắn sáng với tia X và do đó không có ranh giới giữa nhân hạt và lớp phủ.

Việc phân biệt giữa các loại ngọc trai có thể nói là điều không thể thực hiện được đối với người tiêu dùng. Do đó người bán ngọc trai phải biết mình bán loại ngọc nào: giả, nuôi hay tự nhiên. Trường hợp không biết, người bán nên nhờ các cơ quan giám định xác định là loại gì trước khi bán để giúp cho người mua an tâm khi mua ngọc trai, nhờ vậy người bán sẽ được tăng thêm uy tín.

Các tin khác