Chuỗi ngọc trai màu đen này có bị tẩm màu hay không?
|
Hình 1: Xâu chuỗi ngọc trai nuôi màu đen đậm tự nhiên này, cỡ hạt từ 7,8 đến 11,0 mm, vì kích thước nhỏ hơn và lớp xà cừ mỏng hơn loại ngọc thường xuất khẩu ở Tahiti nên lúc đầu người ta cho là chúng đã bị nhuộm màu. Hình của GIA.
|
Quần đảo Polynesia thuộc Pháp nằm ở Thái Bình Dương, có đảo lớn nhất là Tahiti (hình 2). Ngọc trai nuôi màu đen ở vùng biển quanh quần đảo để xuất khẩu thì thường có kích thước không dưới 9 mm. Nên khi nhận được chuỗi ngọc trai đen như trong hình 1 thì các nhà ngọc học thuộc Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) nghĩ là chúng đã bị tẩm màu đen vì chuỗi này có nhiều viên ngọc nhỏ hơn 9 mm.
Sau khi quan sát, thấy lớp xà cừ không hề bị nhuộm màu. Các viên ngọc được đánh bóng rất cao, làm cho một số nơi lớp xà cừ rất mỏng và trong suốt, nhìn xuyên qua có thể thấy nhân nếu dùng ánh sáng của đèn sợi quang chiếu trực tiếp.
Với UV sóng dài, các viên ngọc nuôi màu sẫm này thường trơ hoặc đôi khi phát huỳnh quang rất yếu, thấy hơi khác so với kiểu phát huỳnh quang tiêu biểu của ngọc trai nuôi vùng Tahiti là màu nâu hơi đỏ từ rất yếu đến yếu. Để chính xác hơn, sử dụng thêm phân tích hóa, không thấy có nguyên tố bạc (bạc là bằng chứng có tẩm màu đen) giúp chứng minh màu đen ở các viên ngọc trai nuôi này là hoàn toàn tự nhiên.
Hình 2: Quần đảo Polynesia thuộc Pháp rộng 4.167 km2, trải dài trong một vùng đại dương rộng lớn 2.500.000 km2 ở phía nam Thái Bình Dương. Phía tây quần đảo là châu Úc. Hình bên là đảo lớn nhất Tahiti và thủ đô là Papeete. Ngọc trai đen là sản phẩm nổi tiếng của quần đảo này.
|
Hình X quang cho thấy lớp xà cừ thay đổi từ 0,3 đến 1,7 mm, khá nhiều viên chỉ có xà cừ dày 0,4 đến 0,6mm, thấp hơn quy định ngọc nuôi xuất khẩu của chính quyền Polynesia phải có lớp xà cừ tối thiểu là 0,8 mm.
Vì sao lớp xà cừ của chuỗi ngọc trên khá mỏng, có thể có vài giải thích sau: có thể người ta đã đánh bóng thật nhiều làm lớp xà cừ mỏng hơn để không đạt được độ dày tối thiểu dành cho xuất khẩu; hoặc là các viên ngọc này có thể không có nguồn gốc ở Polynesia.
Đá phiến (schist) xây dựng cũng có chất lượng đá quý
Vào cuối những năm 1990, ở một số địa phương nằm trong thung lũng Aosta, thuộc dãy Alp, miền tây bắc nước Ý, người dân đã dùng đá phiến màu xanh lam làm vật trang sức. Họ mài chúng thành những viên cabochon, hạt tròn, và những dạng khác. Nhờ dáng vẻ khác biệt và hấp dẫn nên nhu cầu về chúng từ các nhà kinh doanh đá quý ở Ý,Thụy Sĩ và các nhà kim hoàn địa phương đã gia tăng. Cho tới nay, ít nhất khoảng vài trăm viên đã được mài từ đá phiến xanh này, chủ yếu là cabochon. Mấy năm nay, sản lượng bình quân một năm khoảng vài trăm kí lô gam.
Đá phiến màu lam này là một loại đá biến chất, được thành tạo do áp suất cao và nhiệt độ thấp tác động làm biến đổi đá gốc bazan. Tông màu chung của đá là xanh lam (hình 3), chủ yếu do chứa nhiều khoáng glaucophane (một loại amphibole natri). Đá phiến xanh vùng thung lũng Aosta thường hiện diện với các đá phiến eclogite và phengite. Mặc dù trong vùng này phổ biến các lớp đá phiến xanh, bề dày đạt đến vài mét, tuy nhiên loại đạt chất lượng quý khá hiếm, chỉ ở dạng lớp mỏng hoặc thấu kính dày tối đá 30 cm.
Đá phiến xanh chất lượng quý này có cấu trúc hạt nhỏ cứng chắc, chứa nhiều glaucophane và ít mica. Đá phiến trong vùng lộ ra kéo dài đến 2.500 mét, chủ yếu trong các lớp đá lởm chởm và dốc đứng. Vì lý do này, phải đi bộ để tìm kiếm đá chất lượng quý, và chỉ dùng được các dụng cụ cầm tay đơn giản để khai thác đá.
Trong đá phiến xanh này ngoài khoáng glaucophane, còn chứa omphacite màu lục (nhóm diopside), garnet đỏ phớt nâu, và một số ít clinozoisite vàng, canxit trắng, pyrite và rutile.
Sự phối hợp 3 thành phần màu xanh lam, lục và đỏ cùng một ít màu trắng hoặc các đốm lấp lánh làm cho đá có vẻ sống động lạ thường và hấp dẫn khi được cắt mài. Phần nào mài song song với lớp đá thì thường có bề mặt màu sáng lấp lánh, phần mài thẳng góc lớp đá thì glaucophane trở nên tối màu hơn.
Vì cấu trúc thành tạo của đá phiến xanh này là vi tinh, đan xen cứng chắc. Do đó cả những miếng khá mỏng cũng có thể dùng để mài theo các dạng tùy thích mà ít bị nứt hay bể. Chỉ một điều khó khăn đối với thợ mài là độ cứng của các thành phần trong đá rất khác biệt, ảnh hưởng lớn đến việc đánh bóng, như garnet có độ cứng là 7 – 7,5, còn canxit chỉ có 3. Cho nên để làm bóng viên đá thì người thợ phải thay đổi phương pháp và vật liệu sao cho phù hợp với các thành phần thực tế của từng viên đá.
Nguồn đá quý thiên nhiên không phải là vô tận, tuy nhiên nhiều nơi vẫn chưa biết cách khai thác sử dụng nguồn đá mình có được. Rất nhiều địa phương Việt Nam có các loại đá, từ đá xây dựng đến đá quý và bán quý. Chủ yếu hiện nay là khai thác và kinh doanh đá xây dựng, còn phần đá quý và bán quý vẫn là một lãnh vực ít người quan tâm. Đá quý chỉ là một phần rất nhỏ và nằm đâu đó trong các núi đá khổng lồ hoặc dọc theo các thềm sông suối . Để phát hiện ra chúng, ngoài sự tình cờ thì cần có kế hoạch và phương tiện tìm kiếm, sự quyết tâm và cả lòng đam mê khám phá cái mới. Việc lựa ra mẫu đẹp nhất từ các đá xây dựng như đá phiến xanh ở Ý để chế tác thành đá quý trang sức đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Tinh thể emerald có hình bóng lạ
Hình 4 là một tinh thể emerald được tìm thấy ở mỏ Muzo, Columbia, Nam Mỹ. Tinh thể này nặng 3,38 ct (9,6 x 7,1 x 5,7 mm), không lớn nhưng hình dáng tinh thể rất rõ ràng. Nó có 6 mặt hình trụ lục phương đứng, phía đầu tinh thể có một mặt đáy nằm ngang và 6 mặt thoi nằm nghiêng.
Bên trong tinh thể có vô số ống tăng trưởng và các tạp chất lỏng nguyên sinh dày đặc, tất cả tập trung vào giữa viên đá. Do đó, các tạp chất này đã tạo nên một hình bóng lạ, hơi đục, nhạt màu hơn so với vùng xung quanh màu lục đậm và trong suốt (hình 4).
Hình bóng lạ này có dạng tương đồng với hình dáng bên ngoài của tinh thể mẹ. Phần tinh thể phía ngoài, xung quang hình bóng lạ thì lại chứa rất ít tạp chất. Chúng là những tạp chất nguyên sinh 3 pha gồm nước muối, bọt khí và một tinh thể hình khối vuông của muối và được xem là tạp chất tiêu biểu cho emerald có nguồn gốc ở Columbia.
Các hình bóng lạ trong emerald như trên là do lúc tăng trưởng có sự thay đổi môi trường đột ngột gây ra. Vì chúng hiện diện không phổ biến nên trở thành mục tiêu tìm kiếm của các nhà sưu tập say mê những điều bất thường trong tự nhiên.
Đôi bông tai emerald sáu tia (trapiche emerald) kỳ lạ
|
Hình 5: Hai viên đá có dạng ngôi sao 6 cánh là emrald 6 tia kỳ lạ, nặng 19,40 ct và 19,60 ct. Đây là loại emerald cực hiếm. Chúng đã được cắt mài theo dạng một lát cắt ngang của trai khế. Hình của Riccardo Befi.
|
Hai viên emerald trên có tên gọi trapiche emerald, tạm dịch là emerald 6 tia, đây là loại emerald cực hiếm. Ở giữa các viên đá có cấu trúc lục giác màu lục emerald, vùng bao quanh đới màu lục thì lại không màu. Từ tâm viên đá tỏa ra 6 tia chứa tạp chất màu đen, giống căm niền xe, nên được gọi là trapiche. Hai viên đá emerald 6 tia ở hình 5 nặng 19,40 ct và 19,60 ct, đã được cắt mài nhái theo một lát cắt ngang qua trái khế, phần 6 cánh thì không màu (trái khế thường có 5 cánh, còn đá được mài thành 6 cánh để phù hợp với 6 tia tạp chất).
Nhà thiết kế Sandra Muler (thuộc công ty Sandra Mule Fine Jewelry, ở Los Angeles) đã thiết kế và chế tác một đôi bông tai độc nhất vô nhị, dựa vào hình dạng 2 viên emerald trên (hình 6). Nó được đặt tên là “Hương vị cuộc sống – Nectar of Life”.
Bông tai “Hương vị cuộc sống” gồm 2 phần. Phần dưới có hình lát trái khế chứa viên emerald 6 tia và ổ hột bằng vàng gắn kim cương vàng. Phần trên theo hình một mảnh vỏ trái chanh, làm bằng vàng, gắn kim cương vàng, lục và không màu. Phần dưới được treo đung đưa vào phần trên. Đôi bông “Hương vị cuộc sống” thật kỳ lạ vì có gắn 2 viên emerald 6 tia đặc biệt và vì trọng lượng khá nặng nên đôi bông này chỉ có thể móc vào bên trong lỗ tai, chứ không thể đeo được ở vành tai dưới.
Một lần nữa, ta thấy thế giới đá quý thật diệu kỳ, đã sinh ra những viên đá quý đặc biệt, có một không hai. Vì quá chất lượng nên các viên đá ấy trở nên nổi tiếng đến nỗi không thể dùng để làm nữ trang truyền thống được, mà phần lớn chúng trở thành thành viên của một bộ sưu tập nào đó.
Cũng như thế, hai viên đá trên vì quá đặc biệt nên đã được thiết kế riêng một đôi bông tai để gắn chúng, và chắc rằng đôi bông “Hương vị cuộc sống” cũng sẽ nằm trong một bộ sưu tập, chỉ dùng để triển lãm hoặc để đeo trong những lễ hội quan trọng nhất.
Những viên đá đặc biệt vẫn luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho sự sáng tạo của các nghệ nhân kim hoàn.
Viên hessonite grossular lớn ở châu Phi có màu lạ
Hình 7 là viên grossular (thuộc nhóm garnet) lớn đến 68,55 ct, màu vàng phớt lục mạnh, cắt mài dạng tròn, giác cúc. Chủ nhân chỉ cho biết viên đá có xuất xứ từ vùng phía đông lục địa châu Phi (có đến 19 quốc gia!) nhưng không cho biết quốc gia nào.
Quan sát bên trong thấy rõ cấu trúc lợn cợn (giống như đổ rượu whisky vào nước), là cấu trúc tiêu biểu của hessonite. Nhóm lớn garnet chia làm 7 nhóm con, trong đó có grossular. Nhóm con grossular có thành phần hóa học là silicat chứa nhôm và canxi, có màu lục, lục vàng, vàng đến cam đỏ hoặc hồng. Hessonite là một thành viên của grossular.
Phân tích cho thấy lượng khá cao của Mn và Fe. Những tạp chất này phổ biến trong hessonite, tuy nhiên Mn trong mẫu cao hơn nhiều so với hessonite bình thường. Hessonite thường có tông màu cam (cam hơi vàng, cam hơi đỏ), trong khi viên đá hessonite này lại có màu vàng hơi lục. Bản chất của việc làm cho hessonite có màu khác thường này là lượng Mn tăng cao đột ngột.
Trong thế giới đá quý, các nguyên tố vết đóng vai trò tạo màu cho đá. Chỉ cần biến thiên một lượng nhỏ của nguyên tố vết nào đó cũng đủ để làm đá đổi thành một màu khác. Trong thiên nhiên có lắm chuyện bất ngờ, chính vì thế ngay những nhà ngọc học có kinh nghiệm, nếu chủ quan cũng sẽ bị nhầm lẫn.
Viên đá opal dán 3 lớp giống hình con mắt
Một người khách mang viên đá opal nặng 9,75 ct (1,8 x 1,6 cm) đến Viện Đá Quý Hoa Kỳ (GIA) để giám định và bảo nó đã được khai thác ở vùng phía đông tiểu bang Idaho (thuộc tây bắc Hoa Kỳ), ông còn cho biết nó đã được dán thành 3 lớp để làm mặt mề đay.
Qua khảo sát thấy lớp opal rất mỏng (chỉ dày 0,1 mm), được dán bằng keo trong suốt lên một đế màu đen đục, phía trên opal phủ bằng lớp thủy tinh không màu (3 lớp: dưới cùng là đế màu đen, ở giữa là lớp opal, lớp thủy tinh trên cùng).
Lớp opal này tán sắc mạnh, tạo nên hình một con mắt (hình 8), với một “con ngươi” gần tròn, xung quanh là “tròng đen” nhiều màu có cấu trúc cột tỏa tia. “Con ngươi” có màu lục hơi vàng trong ánh sáng thường, khi chiếu sáng bằng tia sợi quang lên thì nó đổi thành các đốm màu tím và cam.
Vì lớp opal quá mỏng và dễ bị hỏng hóc nên GIA không thể đo các thông số đá quý. Tuy vậy, tính tán sắc đặc trưng đủ để khẳng định đây là opal nhưng chưa xác định chắc chắn là tự nhiên hay tổng hợp. Tuy nhiên cấu trúc cột lại rất giống với cấu trúc tiêu biểu cho opal tổng hợp (đá nhân tạo). Từ trước đến nay, GIA chưa bao giờ thấy viên opal (cả hai thiên nhiên hay tổng hợp) có dáng vẻ lạ kỳ như thế này.
Tìm thấy orthoclase Việt Nam chất lượng quý
Tháng 7/2005, GIA nhận được một số mẫu đá màu lục “emerald” trong suốt (hình 9), được bán với tên là amazonite, lần đầu tiên được tìm thấy ở Việt Nam. Tất cả gồm 5 viên mài giác (1,31 đến 3,68 ct) và một số viên đá thô. Chúng được lấy từ mỏ pegmatite gần khu vực Minh Tiên, cách Lục Yên 15 km về phía nam, tỉnh Yên Bái. Đây cũng là nơi đã khai thác được fluorite màu lục. Các mẫu đo được chiết suất là 1,521-1,529; tỷ trọng 2,58. Chúng trơ với tia cực tím sóng dài, nhưng với sóng ngắn thì phát quang màu lục vừa, không phát lân quang. Không đổi màu khi xem bằng kính Chelsea. Qua phân tích hóa, xác định chúng là orthoclase (thuộc nhóm fenpat K) chứa nhiều chì hơn bình thường. Tuy nhiên chúng lại được bán dưới tên amazonite, là tên dành cho microcline màu xanh đến lục (đá này cùng nhóm với orthoclase, nhưng khác nhau về cấu trúc).
Mới đây GIA lại vừa nhận được một mẫu fenpat màu lục rất đẹp gần trong suốt, xuất xứ Pazunseik, thuộc Mogok, Miến Điện (hình 10), chưa kịp xác định là loại fenpat gì. Nhóm fenpat có nhiều khoáng vật, thường được xếp vào loại bán quý.