Bản tin tháng 10/2009

Phương Pháp Tạo Ra Màu Hồng Quanh Những Ống Tăng Trưởng Và Vết Nứt Trong Những Viên Tourmaline Chứa Đồng Ở Mozambique

Giới Thiệu:

Hình 1. Một trong số các viên tourmaline chứa đồng nghiên cứu trong bài này, màu xanh đậm nặng 27,63 ct có ống tăng trưởng màu đỏ rubellite lớn nhất và rõ nhất, hiện rõ dưới mặt bàn. Hình của Robert Weldon.

Trong năm qua, nhóm tác giả John I. Koivula, Kevin Nagle, Andy Hsi-Tien Shen và Philip Owens đã nghiên cứu 09 viên tourmaline chứa đồng màu xanh đến lục xanh từ Mozambique, chúng có chứa các ống tăng trưởng và các khe nứt lên đến bề mặt hoặc dạng ống với những đới màu hồng rõ ràng (hình 1). Những viên đá này có được từ 04 nhà buôn đá quý khác nhau qua nhiều đợt trong năm.

Viên đầu tiên của Simon Watt cắt dạng trái tim, nặng 14,12 ct, kích thước 15,82 x 13,68 x 10,82 mm xuất xứ từ Mozambique. Trong hình 2, viên tourmaline này có một ống tăng trưởng lên đến bề mặt được bao bọc bởi một đới màu hồng vừa.

Ngay sau đó, Bill Vance và David Freeland Jr. gởi cho chúng tôi viên đá cắt dạng hình nệm nặng 27,63 ct, xem hình 1. Viên đá này cũng có xuất xứ từ Mozambique, kích thước 17,82 x 17,13 x 12,95 mm. Viên đá chứa một ống tăng trưởng lớn lên đến bề mặt nằm dưới mặt bàn và nó được bao bọc dọc chiều dài bởi một đới màu cực hồng (gần như đỏ), tạo ra sự tương phản rõ rệt với màu xanh của viên đá chính.

Viên thứ ba cũng là viên lớn nhất trong số các viên được đưa đến Viện ngọc học GIA để kiểm định và chứng nhận xuất xứ. Viên tourmaline màu lục-xanh này mài kiểu giác cúc biến thể hình giọt nước cân nặng 33,26 ct và có kích thước 24,34 x 19,88 x 12,89 mm. Nó có nhiều ống tăng trưởng mảnh lên đến bề mặt, tất cả được bao bọc bởi những đới hẹp, màu hồng. Những đặc tính này quá nhỏ để có thể thấy bằng mắt thường mà phải nhìn qua kính phóng đại mới thấy thật rõ được. Phân tích hóa bằng phổ Khối lượng – Plasma cảm ứng kép – Bắn laser (LA-ICP-MS) cho thấy rằng xuất xứ của viên đá cũng từ Mozambique (để biết thêm về kỹ thuật này xem bài của Abduriyim và những người khác, 2006).

Sáu viên tourmaline còn lại đều có hình quả lê cũng được cho là có xuất xứ từ Mozambique do Mark H. Smith cung cấp. Chúng có trọng lượng từ 1,07 đến 2,66 ct, tất cả đều có màu lục-xanh nhạt. Đới màu hồng liên kết với các khe nứt chạy dài từ những ống tăng trưởng được bao bọc bởi đới màu hồng cũng xuất hiện trong những viên đá này.

Mặc dù các nghiên cứu chi tiết về ngọc học trong thời gian khá gần đây trên tourmaline chứa đồng từ Mozambique (theo Abduriyim và những người khác, 2006; Laurs và những người khác, 2008) cho thấy không có bao thể loại như thế được đề cập hay minh họa trong những ấn bản này. Điều này cho ta suy đoán rằng những bao thể như thế và cơ cấu hình thành của chúng là khá hiếm trong tourmanline.

Phương pháp tạo màu được đề xuất:

Chiếu xạ là phương pháp nổi tiếng và mang tính khoa học đã được chứng minh, nó có thể tạo ra màu hồng đến đỏ trong tourmaline (Nassau 1984), vì thế thật hợp lý để giả định rằng sự chiếu xạ là nguyên nhân tạo ra màu hồng bao quanh những ống tăng trưởng lên đến bề mặt và có liên quan đến những vết nứt trong các viên tourmaline chứa đồng màu xanh đến lục-xanh này.

Hình 2. Việc phát hiện trong viên tourmaline chứa đồng 14,12 ct từ Mozambique, có ống tăng tưởng bị bao bởi đới màu hồng này là bao thể đầu tiên trong các bao thể được nghiên cứu cho bài này. Ảnh chụp hiển vi của J. I. Koivula; thị trường 4,9 mm.

Kỹ thuật hợp lý nhất trong việc tạo màu hồng trong những viên tourmaline này có thể đưa ra giả thuyết từ nghiên cứu ban đầu bởi một trong những tác giả (JIK) trên thạch anh ám khói và kim cương màu lục. Đầu tiên trong loạt báo cáo này (Koivular, 1986) mô tả việc tạo màu của những tinh thể thạch anh ám khói nhờ dòng chảy thủy nhiệt phóng xạ diễn ra tự nhiên. Màu nâu được giữ lại trên lớp bề mặt chỉ dày vài mm; màu đậm nhất quanh những điểm đặc trưng bề mặt và những lỗ hổng lên đến bề mặt cũng như quanh những hốc bao thể lỏng gần bề mặt vẫn còn nguyên cả pha dạng lỏng và khí. Quả thật sự hiện diện của những đám mây màu nâu quanh những hốc bao thể lỏng này cho thấy chất lỏng trong chúng đã bị phóng xạ, do đó màu ám khói trên thạch anh là kết quả của sự chiếu xạ (Nassau, 1984).

Nghiên cứu thứ 2 (Koivula, 1988) chứng minh một phần tinh thể kim cương tự nhiên với một hốc tinh thể âm thông đến bề mặt qua một chỗ thắt nhỏ. Bị kẹt trong hốc là những tinh thể kim cương rời nhỏ, chúng quá lớn để thoát qua chỗ thắt. Vết chiếu xạ lục phớt nâu phủ lên những thành bên trong của những hốc, chỗ thắt và bề mặt của những tinh thể kim cương bị kẹt. Tuy nhiên, những vết như thế không được quan sát thấy ở bất cứ chỗ nào trên bề mặt bên ngoài của viên kim cương chủ.

Hai nghiên cứu này cho thấy phương pháp phóng xạ có thể đưa lớp màu hẹp hình thành bên trong khoáng vật quý. Nếu chúng có những đặc trưng phát triển lên đến bề mặt như vết lõm ăn mòn và các hốc, các rãnh, các vết nứt hoặc các ống tăng trưởng, thì khi đó màu tạo ra từ phương pháp phóng xạ sẽ thâm nhập vào tinh thể bằng tính mao dẫn, bằng cách ấy màu được đưa vào bên trong những bề mặt hốc rãnh đó. Nếu sau đó bề mặt bên ngoài bao thể bị biến đổi do điều kiện tự nhiên hay do sự ăn mòn axit hoặc sự mài mòn do nước hay do quá trình chạm trỗ thì khi đó chỉ những bề mặt không bị biến đổi (như các ống tăng trưởng, ….) mới cho thấy màu được đưa vào là bằng phương pháp phóng xạ. Từ những hiểu biết rằng sự chiếu xạ có thể tạo ra màu hồng đến đỏ trong tourmaline (xem ví dụ trong Reinitz và Rossman, 1988), đã đưa ra được giải thích chắc chắn cho sự hiện diện của những ống màu hồng trong những viên tourmaline chứa đồng này.

Nghiên cứu dưới kính hiển vi:

Trước tiên chúng tôi dùng những kỹ thuật ngọc học cơ bản để khẳng định những viên đá này là tourmaline. Sau đó chúng tôi chuyển sang phổ kế huỳnh quang tia X phân tán năng lượng (EDXRF) để xác định chúng là có chứa đồng (Cu) và chúng tôi phân tích hóa bằng phổ Khối lượng – Plasma cảm ứng kép – Bắn laser (LA-ICP-MS) trên 04 viên đá lớn nhất để khẳng định xuất xứ địa lý của chúng là từ Mozambique.

Hình 3. Khi nhìn trực diện từ đầu đến cuối của 1 trong các kim màu hồng, có thể thấy màu do chiếu xạ ngấm vào vùng lân cận trong đá chủ tourmaline, nó trở nên mờ dần cho đến khi nó dần dần biến mất. Đường kính của ống tăng trưởng 0,06 mm. Ảnh chụp hiển vi của J. I. Koivula.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bước tiếp theo trong quá trình nghiên cứu và mục đích của bài này là để xác định bản chất của những ống tăng trưởng và các khe nứt màu hồng bất thường, cũng như việc chứng minh bằng hình ảnh. Việc này thực hiện bằng cách dùng kỹ thuật chụp ảnh hiển vi ngọc học và nhiều kỹ thuật tạo sáng khác.

Hình 4. Nhìn trực diện từ đầu đến cuối của ống tăng trưởng, có thể quan sát lập tức đới màu đỏ đậm đến hồng quanh ống tăng trưởng, với viền quanh các thành bên trong với lớp phủ biểu sinh trông như bị gỉ sét (trái). Ở nơi các ống tăng trưởng đới màu hồng lên đến bề mặt thì các rìa của nó trông lởm chởm, điều này là do quá trình cắt mài (phải, ánh sáng phản chiếu). Ống tăng trưởng được bao bọc bởi màu hồng này kéo dài lên đến bề mặt tuormaline chủ. Ống này có đường kính 0,07 mm ở điểm lớn nhất. Ảnh chụp hiển vi của J. I. Koivula.

Giống như tất cả các ống tăng trưởng trong tourmaline, chúng có hướng song song với trục quang của viên đá chủ (trục c). Trong tất cả các trường hợp, chỉ những ống tăng trưởng phát triển lên đến bề mặt của viên đá chủ mới quan sát được màu hồng quanh ống tăng trưởng đó. Còn ở những ống tăng trưởng hoàn toàn bị giữ lại trong tourmaline thì chúng tôi không thấy sự liên kết giữa màu hồng với các ống này.

Khi nhìn trực diện từ đầu đến cuối kim màu hồng lên đến bề mặt (hình 3), chúng tôi quan sát được sự ngấm màu hồng vào vùng lân cận trong đá chủ tourmaline, nó trở nên mờ dần cho đến khi nó dần dần biến mất. Thật chính xác với những gì mong đợi là có phương pháp phóng xạ đi vào các ống tăng trưởng hở trên bề mặt của tinh thể tourmaline dưới tác động mao dẫn. Một đới mỏng màu hồng đậm đến đỏ lập tức bao quanh tất cả các ống và tạo màu cho chúng (hình 4, bên trái), khi đó một viền phủ biểu sinh trông như bị gỉ sét đi vào những thành bên trong của ống tăng trưởng. Phương pháp phóng xạ có thể thực hiện trong ổ đá tourmaline gốc hoặc riêng từng phần trong quặng bồi tích (sa khoáng) sau khi tourmaline bị thay đổi so với pecmatic (pegmatite) gốc của chúng. Phương pháp phóng xạ bắt nguồn từ sự tương tác với các khoáng vật phóng xạ; những khoáng vật như thế khá phổ biến ở một số đá pegmatite Mozambique (ví dụ, Dias và Wilson, 2000).

Bằng kính phóng đại và ánh sáng phản chiếu bề mặt (hình 4, bên phải), viền của tất cả các ống tăng trưởng lên đến bề mặt đều trông lởm chởm và thô ráp. Điều này hiển nhiên do sự hư hỏng dọc theo các viền mép của những ống tăng trưởng diễn ra trong quá trình mài giác.

Trong hình 5, chúng tôi quan sát được nhiều cỡ đường kính khác nhau của những ống tăng trưởng được bọc màu hồng. Chỉ có những ống lớn nhất như trong hình 1 mới nhìn thấy được mà không phải qua kính phóng đại.

Hình 5. Các ống tăng trưởng được bọc màu hồng trong tourmaline chứa đồng có nhiều cỡ đường kính; duy chỉ những ống lớn nhất sẽ được nhìn rõ mà không cần phóng đại. Ảnh chụp hiển vi của J. I. Koivula; thị trường 2,9 mm.

 

 

 

 

 

 

 

 

Chúng tôi xin lưu ý rằng khi chất biểu sinh hoàn toàn chặn đứng ống tăng trưởng thì phương pháp phóng xạ tạo màu chỉ thâm nhập đến điểm chặn đứng vì thế việc tạo màu cũng dừng tại đây. Như vậy một số ống tăng trưởng chỉ có một phần bị bọc màu hồng (hình 6).

Hình 6. Trong hình, nếu chất biểu sinh chặn đứng ống tăng trưởng thì phương pháp phóng xạ tạo màu chỉ thâm nhập đến điểm bị khóa, kết quả là ngừng việc tạo màu. Ảnh chụp hiển vi của J. I. Koivula; thị trường 2,2 mm.

 

 

 

 

 

 

 

 

Trong suốt quá trình nghiên cứu này, chúng tôi cũng thấy đới màu hồng liên kết với các khe nứt trãi dài từ hoặc giữa các ống tăng trưởng bọc đới màu hồng, cũng như từ các vết nứt lên đến bề mặt (hình 7, bên trái). Chỉ khi chúng tôi quan sát các ống tăng trưởng bằng độ phóng đại lớn hơn và có ngâm lâu trong nước thì thấy rõ rằng màu hồng lan tỏa từ các thành bên trong của những vết nứt này và dần dần tan vào viên tourmaline chủ (hình 7, bên phải).

Theo Abduriyim và những người khác (2006) cho biết rằng việc xử lý nhiệt ở khoảng 500oC có thể tạo ra màu xanh “neon” đẹp trong tourmaline chứa đồng. Báo cáo này cũng nêu rõ rằng màu hồng phớt tím và màu hồng sẽ bị nhạt khi chiếu nhiệt từ 400 đến 500oC. Trong báo cáo của Laurs và những người khác năm 2008 cho biết rằng dùng nhiệt độ khoảng 530oC có thể làm bay màu hồng đến tím và tạo ra những màu xanh và lục sặc sỡ. Sự làm phai màu hồng đến đỏ do chiếu xạ trong tourmaline bằng xử lý nhiệt được chứng minh rõ trong tài liệu (Nassau, 1984). Nhiệt độ được đề cập trong các thí nghiệm làm nhạt màu như thế là từ 260 đến 400oC, với viên không có màu đỏ hay hồng có thể đến trên 750oC. Cùng với Dr. Emmanuel Fritsch của trường Đại học Nantes, một trong những tác giả (JIK) thực hiện một số thí nghiệm làm phai màu trên nhiều viên đá từ đầu thập niên 90 sử dụng cả nhiệt và đèn. Trong những thí nghiệm này màu nhạt hoàn toàn từ 450 đến 500oC đối với tất cả các viên tourmaline màu hồng đến đỏ được thí nghiệm.

Hình 7. Các thành bên trong của bất kỳ các rãnh hay khe nứt nào lên đến bề mặt (hoặc các ống tăng trưởng lên đến bề mặt) trong những viên tourmaline Mozambique cũng tạo màu hồng đến đỏ bằng chiếu xạ tự nhiên (bên trái; thị trường 2,9 mm). Ở độ phóng đại cao hơn, việc thâm nhập màu hồng đến đỏ vào vùng lân cận trong tourmaline được nhìn rõ (bên phải; thị trường 0,8 mm). Ảnh chụp hiển vi của J. I. Koivula.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Vì vậy chúng tôi tin rằng màu xanh đến lục-xanh trên những viên tourmaline chứa đồng này có nguồn gốc tự nhiên và không có kết quả của xử lý nhiệt. Nếu những viên này bị xử lý nhiệt thì các đới màu hồng quanh những ống tăng tưởng sẽ bị nhạt đi chứ không có màu đậm như thế.

Kết luận:

Với kiến thức của các tác giả, sự tạo màu tourmaline quanh những ống tăng trưởng và khe nứt lên đến bề mặt bằng phương pháp phóng xạ thâm nhập vào bên trong chưa từng được đề cập trong bất kỳ tài liệu nào ngoài tài liệu này. Việc tất cả các mẫu được miêu tả trong tài liệu này đều từ Mozambique cho thấy đặc tính bao thể dạng này có thể là đặc trưng của địa phương đó, mặc dù pegmatite granit trên thế giới được biết đến chủ yếu là do xử lý phóng xạ. Sự hiện diện của những đới màu hồng quanh các ống tăng trưởng lên đến bề mặt trong những viên màu xanh đến lục-xanh khác cũng cung cấp bằng chứng rõ rằng viên tourmaline chủ không bị xử lý nhiệt bởi vì nhiệt độ đòi hỏi để tạo ra màu giả (màu xanh đến lục-xanh được tạo ra do xử lý nhiệt, chứ không phải màu tự nhiên) như thế trong tourmaline chứa đồng sẽ làm nhạt màu hồng.

(Theo Jonh I. Koivula, Kenvin Nagle, Andy His-Tien Shen và Philip Owens, Notes &New Techniques, G&G, Spring 2009)

Amethyst Chất Lượng Quý Từ Tata, Morocco

Hình 1: Mặc dù amethyst vùng Morocco thì phổ biến với dạng có đới màu, chúng có thể tạo tác để cho ra màu tím đậm khi nhìn từ bề mặt như viên đá hình quả lê cắt giác tầng biến thể nặng 13,47 ct này (cắt mài bởi Alan Morgan ở Mesa, Arizona). Bên cạnh là viên đá tinh thể nặng 11,1 g. Ảnh của Kevin Schumacher.

Một nguồn đá amethyst mới được phát hiện ở  núi Anti-Atlas. Theo Jack Lowell (Colorado Gem & Mineral Co., Tempe, Arizona) và chủ mỏ Ait Ouzrou Mohamed (Agadir, Morocco), việc sản xuất bắt đầu từ đầu năm 2007. Những tinh thể amethyst hoàn hảo được nhặt lại từ bãi đất ở núi Bouodi, khu vực gần thành phố Tata. Quặng được khai thác không thường xuyên bởi một nhóm công nhân, tùy thuộc vào các đơn đặt hàng loại amethyst này. Mỗi công nhân điển hình thu nhặt được 2 kg nguyên liệu mỗi ngày, công cụ chủ yếu là bằng tay, khoảng 30% sản lượng có thể đánh bóng thành các đá dạng cabochon hoặc mài giác. Nguyên liệu hầu hết là thích hợp làm các mẫu tinh thể hoặc mài dạng cabochon, mặc dù vài viên đá thô được mài giác chất lượng cao vẫn được sản xuất.

Ông Lowell cho GIA mượn một viên hình quả lê cắt theo giác tầng biến thể nặng 13,74 ct và 5 viên tinh thể nặng từ 3,94 đến 36,6 g để nghiên cứu (hình 1). Đá thô có chóp dạng lăng trụ hoàn hảo, với  các sọc ngang đặc trưng trên các mặt lăng trụ. Những mẫu vật cho thấy đặc điểm đới màu tam giác màu tím đậm bên trong chóp tinh thể được bao quanh bởi thạch anh gần không màu (hình 2). Trong các đá mài giác, đới màu này được tính toán cẩn thận sao cho thấy được màu đậm như nhau khi nhìn chính diện từ mặt viên đá.

Đặc tính thu thập được từ các mẫu đá mài giác và 2 tinh thể đá: độ trong suốt: trong mờ (đá thô) – trong suốt; đa sắc: yếu, từ tím phớt hồng đến tím phớt xanh; chiết suất RI: 1,542 – 1,552; tỷ trọng SG: trung bình » 2,65 (sai số ± 0,01); không phản ứng dưới kính lọc Chelsea; phát huỳnh quang: hầu như trơ dưới cả UV sóng dài và sóng ngắn, mặc dù ở những chỗ gần không màu cho thấy có phản ứng màu trắng nhạt dưới UV sóng ngắn; không thấy dãy hấp thu nào dưới phổ kế để bàn. Các đặc tính của amethyst Morocco thường phù hợp với các đặc tính của amethyst trong báo cáo R. Webster (Gems, quyển số 5, được chỉnh sửa bởi P. G. Read, Butterworth-Heinemann, Oxford, UK, 1994, trang 225 – 229).

Hình 2: Nét đặc biệt của amethyst Morocco là đới không màu đến tím đậm và bao thể hematite hình nhánh cây màu nâu phớt đỏ. Ảnh chụp hiển vi của D. Beaton; phóng đại 10x.

 

 

 

 

 

 

 

  Xem dưới kính phân cực chữ thập (2 nicol), amethyst cắt mài cho thấy hiệu ứng mắt bò (bull’-eye) và vài chỗ thấy được dạng luật song tinh Brazil. Kiểm tra dưới kính hiển vi thấy dạng vân tay (fingerprint) chứa các chất lỏng tàn dư và các bao thể 2 pha khí – chất lỏng, dạng bao thể phổ biến trong thạch anh. Đặc biệt các bao thể hematite hình nhánh cây màu nâu phớt đỏ (xem lại hình 2) và bao thể 2 pha dạng lăng trụ lớn bất thường cũng được quan sát. Như ghi nhận về amethyst Sri Lanka của E. J. Gϋbelin và J. I. Koivula (trong quyển Photoatlas of Inclusions in Gemstones, Vol. 2, Opinio Publishers, Basel, Switzerland, 2005, trang 561), các bao thể hematite thấy trong các đới tăng trưởng không màu, nơi chúng bị nguyên tố sắt hiện hữu ăn mòn, do đó các thạch anh bao quanh bị thiếu nguyên tố tạo màu nên chúng thường gần như không màu.

Amethyst từ Morocco thấy dạng đặc trưng là các tinh đám trong các hốc tinh thể được khai thác từ các dòng lava (dung nham) (theo W. Lieber, Amethyst: Geschichte, Eigenschaften, Fundorte, Christian Weise Verlag, Munich, Germany, 1994). Đây là lần đầu tiên dạng tinh thể hoàn hảo chất lượng quý từ Morocco được nhìn thấy. (Theo Donna Beaton (donna.beaton@gia.edu), GemNews, G&G Spring 2009)

SAPPHIRE NHÂN TẠO KHÔNG MÀU GIẢ KIM CƯƠNG THÔ

Nhiều loại tinh thể khoáng vật trong suốt và gần như không màu được dùng làm giả kim cương thô (xem Lab Notes: Fall 1996, trang 205 [cubic zirconia]; Fall 1997, trang 217 – 218 [topaz] và Fall 2007, trang 250 [phenakite]). Phòng giám định đá quý Dubai đã từng thấy các loại đá như cubic zirconia, topaz, phenakite và thạch anh pha lê được dùng để làm giả kim cương thô. Mới đây chúng tôi có nhận giám định một mẫu đá gần như không màu cân nặng 2,5 g có hình dạng giống tinh thể kim cương bát diện bị nước bào mòn (hình 1). Mặc dù khách hàng này là người rất có kinh nghiệm trong việc mua bán kim cương thô, ông vẫn không chắc chắn được tính xác thực của nó là thật hay giả.

Hình 1: mặc dù vẻ bề ngoài giống tinh thể bát diện của kim cương tự nhiên nhưng mẫu vật 2,5 g này là một sapphire nhân tạo. Hình của N. Ahmed, © Dubai Gemstone Laboratory.

Các kiểm tra ngọc học cơ bản nhanh chóng xác minh được rằng đây không phải là kim cương. Nó có lưỡng chiết suất và là tinh thể một trục với chiết suất điểm » 1,76 và tỷ trọng là 4,00. Các đặc điểm này tương ứng với corundum, điều này đã được kiểm chứng bằng phổ kế Raman. Mẫu vật này trơ dưới UV sóng dài và phát quang yếu màu xanh phấn dưới UV sóng ngắn. Kiểm tra dưới kính hiển vi không thấy được bao thể nào cũng như không thấy các sọc đá cong hoặc sọc Plato khi ngâm trong nước, điều đó cho thấy có thể nó là sapphire nhân tạo. Tuy nhiên, dưới phổ hấp thu UV-Vis thấy xuyên đến 224 nm – một chứng cứ rõ ràng rằng mẫu vật này là đá nhân tạo bởi vì đặc trưng của corundum thiên nhiên là không truyền các bước sóng dưới 288 nm. Việc giám định này cũng được thực hiện qua phân tích EDXRF, điều đó cho thấy có yếu tố Al như đã nghĩ và còn có một lượng rất nhỏ Fe là nguyên tố vi lượng duy nhất (xem “Sự khác biệt giữa thật và giả trong sapphire không màu” của S. Elen và E. Fritsch”, quyển Spring 1999 G&G, trang 30 – 41).

Chúng tôi chưa từng thấy sapphire nhân tạo không màu làm giả kim cương thô, có lẽ do độ cứng cao hơn của nó làm cho nó khó để tạo ra dạng giống kim cương thô hơn các đá nhái phổ biến khác như topaz và phenakite. Nghiên cứu này cho thấy thậm chí các nhà buôn giàu kinh nghiệm cũng có thể mắc sai lằm nghiêm trọng khi buôn bán kim cương thô mà không biết nguồn gốc hoặc tại các điểm mua bán ngay tại chỗ, lưu ý thêm là nên luôn luôn mang đi kiểm tra khi gặp mẫu vật nghi ngờ như trên. Trong trường hợp này, kiểm tra ngọc học đơn giản cũng đủ để nhận ra sự gian lận ấy.

(Phần GemNews, G&G Fall 2009, bài của Nazar Ahmed (nanezar@dm.gov.ae) và Sutas Singbamroong, Dubai Gemstone Laboratory, United Arab Emirates)