PHẦN TIN GIÁM ĐỊNH
Sinh viên tham quan Cty TNHH Giám Định Rồng Vàng SJC
Sáng thứ bảy, ngày 22/10/2005, thầy Võ Trung Chánh, giảng viên chính khoa Địa Chất, đại học Khoa học Tự nhiên TP. HCM đã cùng 10 sinh viên của khoa đến thăm văn phòng cty GĐRV (xem hình 1). Tại đây, các chuyên viên kiểm định của cty GĐRV đã trình bày cơ bản các công việc của nghề giám định đá quý, cho sinh viên xem một số mẫu đá quý và các thiết bị giám định, cuối cùng là trả lời các thắc mắc của sinh viên về các vấn đề thuộc đá quý và nghề kiểm định.
Viên Ruby Miến Điện đạt giá kỷ lục
Vì trình độ xử lý đá quý và chế tạo đá quý tổng hợp ngày càng tinh xảo cho nên rất khó phân biệt giữa đá quý tự nhiên với các đá quý do con người tạo ra hay xử lý nó để làm tăng chất lượng. Đối với đá quý hiếm và có giá trị cao thì người mua đòi hỏi người bán phải có gì chứng minh nguồn gốc của viên đá. Từ nhu cầu này, trong các cuộc đấu giá đá quý của những công ty nổi tiếng trên thế giới đều phải có các giấy giám định ngọc học cho mỗi viên đá. Hình 2 là viên đá ruby xuất xứ từ Miến Điện (Myanma), có màu đỏ mạnh, nặng 8,01 carat, trong suốt và đã được kiểm tra ngọc học xác nhận nó hoàn toàn tự nhiên, không bị xử lý. Viên ruby đặc biệt này vừa được nhà đấu giá Christie ở New York bán với giá rất cao 2,2 triệu USD, nếu quy ra đơn giá carat thì giá của nó đã đạt một kỷ lục là 275.000 USD cho mỗi carat.
Tourmaline cũng rất đẹp và đa dạng
Thông thường thì người ta xếp tourmaline vào nhóm đá bán quý vì nó hiếm khi trong suốt do có nhiều tạp chất bên trong, độ cứng khá cao (7 đến 7,5) nhưng không bằng ruby hoặc saphia. Màu sắc của tourmaline rất đa dạng, tuy nhiên các viên trong và đẹp thì lại khó tìm. Tourmaline loại đẹp thì không thua kém gì các loại đá quý khác, đặc biệt hơn nữa là tính đa dạng về màu sắc đã làm cho những viên tourmaline chất lượng quý mang một vẻ đẹp và hấp dẫn riêng mà những loại khác không thể nào có được.
Tourmaline có ở nhiều nơi trên thế giới nhưng tourmaline vùng núi Mica, nằm về phía tây nam tiểu bang Maine, Mỹ, thuộc loại chất lượng quý, kích thước lớn, có độ trong cao và màu sắc rất đẹp (xem hình 3). Có rất nhiều loại màu ở tourmaline này, như màu lục emerald, lục vàng, xanh da trời, hồng, đỏ, loại 2 màu, loại 3 màu… Các viên đá thành phẩm có kích thước từ nhỏ đến rất lớn, điều quan trọng nhất là chúng rất đẹp và hấp dẫn.
Tourmaline thích hợp trong các loại nữ trang gắn đá nhiều màu, mang tính thời trang và thích hợp cho cả giới trẻ, ngoài ra nó cũng phù hợp cho các bộ sưu tập nữ trang quý phái sang trọng. Vì kiểu cắt mài và kích thước và đa dạng, màu sắc phong phú, giá cả phải chăng, tourmaline rất thích hợp cho các nhà thiết kế nữ trang thỏa sức sáng tạo ra các mẫu kim hoàn thời trang. Thí dụ trong hình 4 là vòng đeo cổ Hamlin, là một trong những món nữ trang nổi tiếng nhất ở Bắc Mỹ, gồm chủ yếu là tourmaline nhiều màu và beryl, dù đã được làm từ rất lâu rồi (cuối thế kỷ 19) nhưng đến giờ chúng ta vẫn thấy nó quá đẹp và hấp dẫn. Hiện nay nó là một vật quý của bảo tàng thuộc đại học Harvard.
Ngọc trai nuôi có nhân ngọc trai nuôi
Phòng thí nghiệm của GIA cho biết họ vừa phát hiện một điều thú vị. Đó là sau khi sử dụng các phương pháp kiểm định ngọc học trên một viên ngọc trai lớn (16,00x13,50 mm), màu trắng xám, họ xác định được nó là một viên ngọc trai nuôi. Điều thú vị là nhân của viên ngọc trai nuôi này lại là một viên ngọc trai nuôi khác. Thông thường, các trại nuôi dùng các vỏ hoặc các mô mềm lớp choàng của trai cấy vào bên trong các con trai khác để làm nhân, từ đó viên ngọc trai nuôi sẽ lớn dần lên từ nhân ấy. Việc phát hiện này cho thấy các trại nuôi ngọc trai đã sáng tạo thêm phương pháp cấy nuôi. Họ đã tận dụng các viên ngọc trai chất lượng xấu để làm nhân, làm giảm chi phí và thời gian nuôi.
Ngọc trai nuôi nước ngọt được tẩm màu vàng kim
GIA đã nhận kiểm định một chuỗi ngọc trai đều hạt, màu vàng kim. Thoạt nhìn, người ta nghĩ ngay chúng là ngọc trai nuôi vùng biển Đông. Tuy nhiên, kết quả giám định cho thấy lại thêm một bất ngờ nữa.
Ở vùng biển Đông có một số nước nuôi trai lấy ngọc gồm Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam… Trai nuôi ở các vùng biển này thường có màu từ vàng nhạt đến vàng kim, nâu vàng. Những viên màu nhạt đôi khi được nhuộm để có màu đậm hơn.
Điều bất ngờ ở chuỗi ngọc trai này là không phải trai nuôi vùng biển mà là nuôi nước ngọt. Sau khi nuôi, người ta chọn những viên lớn, tròn đều, cho đi nhuộm màu vàng kim để làm tăng giá trị của chúng.
Khi mua loại ngọc trai màu vàng kim nên chú ý đến màu của sợi dây và màu ở đầu các lỗ xâu. Nếu là loại nhuộm màu thì màu ngay các lỗ xâu thường đậm hơn xung quanh, và các gút dây giữa các viên ngọc bị dính màu vàng kim do cọ sát với lỗ, còn dây giữa các gút thì vẫn giữ màu của nó.
Ngọc trai Tahiti nuôi màu “sô cô la”
Tại hội chợ đá quý 2005 ở Tucson, Mỹ, công ty Emiko Pearls International đã giới thiệu loại ngọc trai nuôi Tahiti với tên thị trường là “ngọc trai sô cô la”, màu gốc đã được xử lý cho sáng hơn để có màu như sô cô la. Sản phẩm tung ra thị trường có kích cỡ từ 9 đến 15 mm, màu từ nâu vàng đến nâu sậm bắt mắt được thị trường gọi là màu “đồng”, “đồng thau” hay “mật ong”, những màu này không phải là màu tự nhiên của ngọc trai Tahiti nuôi . Sản lượng khoảng vài trăm viên mỗi tháng vì chỉ có một số viên đạt tiêu chuẩn để xử lý.
Cty này cho biết họ xử lý màu làm hai công đoạn nhưng không nói chi tiết: đầu tiên làm nhạt màu các viên ngọc trai màu tối, kế đó là làm ổn định màu đã được làm nhạt. Trong quá trình xử lý không hề nhuộm màu ngọc trai, không xử lý nhiệt. Cty bảo đảm màu ngọc trai sô cô la là bền vững, không phai dù có đeo thường xuyên.
GIA đang tiếp tục nghiên cứu bản chất của quá trình xử lý ấy để tìm ra các tiêu chuẩn xác định loại ngọc trai sô cô la này.