Bảng tin tháng 03/2012

Những Thông Tin Mới Về Mỏ Ruby Và Sapphire

Ở Pakistan Và Afghanistan

Vào khoảng tháng 6 và 7 năm 2010 nhóm nghiên cứu có đến hai mỏ khoáng corundum ở Pakistan và Afghanistan để thu thập mẫu tham khảo cho GIA: Basil ở Pakistan và Jegdalek ở Afghanistan.

Hình 1: Các thợ mỏ người Pakistan đang đứng tại lối vào khu mỏ Basil, Pakistan. Mỏ này tọa lạc ở độ cao 4000 m so với mặt nước biển. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Tại Pakistan, ruby và sapphire được ghi nhận có ở 5 khu vực mỏ: Nangimali (tại khu vực Azad xem phần GNI quyển G&G Fall 2007, trang 263 – 265), Bisil (trong thung lũng Basha miền Kashmir do Pakistan kiểm soát), Hunza (miền Bắc Pakistan, dọc quốc lộ Karakoram; Bắc Pakistan), Basil (trong thung lũng Kaghan phía Tây Bắc tỉnh Frontier) và Batakundi (cũng trong thung lũng Kaghan, cách Basil 30 km). Đối với mỏ Bisil, nhóm nghiên cứu không thể xác nhận sự tồn tại của nó hoặc tìm hiểu thông tin về hoạt động ở nơi đó.

Khu mỏ Basil được phát hiện từ năm 1996. Có 3 mỏ được phát hiện vào tháng 6 năm 2010 và được điều hành bởi Công ty TNHH Đá Quý Kashmir (hình 1). Hai mỏ đầu cung cấp chủ yếu là sapphire hồng, tím và xanh trong các vĩa than. Mỏ thứ ba tìm thấy sapphire hồng công sinh trong đá hoa. Các mỏ này thường được khai thác từ tháng 6 đến tháng 10 bởi các nhóm nhỏ thợ mỏ sử dụng chất nổ và búa khoan. Sản lượng hiện tại ở khu mỏ này (hình 24, trái) nhiều hơn nhiều so với các khu mỏ Nangimali hay Batakundi. Từ khu mỏ mà nhóm nghiên cứu khảo sát và từ những cuộc trao đổi với thợ mỏ/dân buôn, những người làm việc tại Batakundi trong rất nhiều tháng từ năm 2003 đến 2004, họ khám phá ra rằng nguồn sapphire màu hồng đến tím trước đây được mô tả là từ mỏ Basil nhưng hóa ra lại là từ mỏ Batakundi (xem phần GNI quyển G&G Winter 2004, trang 343 – 344; www.gia.edu/research-resources/news-from-research/batakundi_sapphire.pdf). Ngược lại, khu mỏ Batakundi là nguồn của khoáng vật hoàn toàn khác (hình 2, phải) và đường xá đến đây thì rất khó khăn. Theo thông tin từ Guy Clutterbuck thì khu mỏ Batakundi ban đầu chỉ khai thác được các viên ruby nhỏ, màu đỏ đậm từ mỏ có đá gốc là đá hoa vào năm 2000, nhưng hình như ngày càng nhiều thợ mỏ bị chết vì té ngã hoặc chết vì chứng khó thở do không khí loãng. Mỏ Batakundi được cho là phải ngừng hoạt động sau sự tàn phá của động đất xảy ra tại Azad Kashmir và tháng 9 năm 2005.

Hình 2: Vài mẫu đá sapphire thô và mài giác (~0,7 ct) từ mỏ Basil trong hình bên trái. Bên phải là ruby từ Batakundi, Pakistan; những viên đá nhỏ có trọng lượng từ 0,4 – 1 ct. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Ở Afghanistan cũng có 4 mỏ ruby và sapphire. Đó là các mỏ ở Jegdalek tọa lạc trong một phần thuộc tỉnh Kabul về phía đông, gần Sorobi, nơi đây cũng là nguồn mỏ nổi tiếng về ruby trong đá hoa (G. W. Bowersox và nhóm nghiên cứu, “Ruby và sapphire từ Jegdalek, Afghanistan”, G&G Summer 2000, trang 110 – 126). Khu vực mỏ này dài khoảng 10 km, rộng 2 km và hoạt động quanh năm. Đã có khoảng 200 – 300 thợ mỏ làm việc tại khu vực này vào tháng 7 năm 2010, nhiều hơn nhiều so với thời điểm mà nhóm công tác đến nơi này khảo sát và mùa hè năm 2006 (thời điểm mà việc khai khoáng chưa được sự cho phép của chính quyền). Đá hoa chứa ruby được đào từ các hẻm vực và mở rộng ra phạm vi hàng trăm mét và một số hầm mỏ được thông tin là sâu hơn 200 m. Theo những người thợ mỏ thì sản lượng của khu mỏ này là hạn chế do thiếu chất gây nổ và do hiện tượng ngấm nước gây nguy hiểm cho các máng vực sâu.

Gần Maidan Shar thuộc tỉnh Vardak, một mỏ nhỏ sapphire đã khai thác từ đầu những năm 2000 (phần GNI quyển G&G Winter 2004, trang 343 – 344) nhưng có thông tin là mò này đã ngưng hoạt động do tại đây không có chợ mua bán đá. Khoáng vật vùng này thì quá xám và nhiều bao thể, việc xử lý bằng các phương pháp hiện nay vẫn không có hiệu quả trong việc cải thiện vẻ ngoài của chúng. Sau năm 2006 có thông tin là mỏ này đã đóng cửa.

Tại tỉnh Badakhshan cũng có một mỏ nhỏ ruby nằm trong đá hoa, mỏ này tọa lạc gần Khash (xem thêm phần GNI quyển G&G Fall 2007, trang 263 – 265), một làng nhỏ nằm cách làng Bohorak khoảng 2 giờ đi xe về hướng Tây. Vào tháng 7 năm 2010 nhóm nghiên cứu có đến khu mỏ này để thu thập thông tin nhưng không được phép đến gần khu mỏ trong phạm vi 1 km. Có thông tin rằng có khoảng dưới 10 thợ mỏ đang làm việc trong các hầm mỏ, họ đào bới trên các sười đồi theo hướng chuối xuống phía thung lũng. Theo người dân địa phương, bên cạnh ruby và một số sapphire xanh chất lượng thấp thì khu vực xung quanh Bohorak và làng Jorm còn khai thác được spinel xanh, sphene, aquamarine, tourmaline lục, hồng và diopside.

Cũng trong khu vực Badakhshan, sapphire xanh được công bố tìm thấy vào năm 2008, ở gần khu vực mỏ lapis lazuli nổi tiếng thuộc làng Sar-e-Sang. Sapphire ở đây công sinh chủ yếu với mica và thường có dạng tinh thể tháp đôi lập phương, có viên lớn nhất được tìm thấy nặng đến 4 g (hình 3). Dân buôn ở Kabul cho biết rằng thị trường chủ yếu cho loại sapphire này là Jaipur, Ấn Độ.

Hình 3: Những viên đá thô trong lô hàng sapphire từ Badakhshan, viên nặng nhất là 4g. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Năm 2010, hoạt động kinh doanh trên đường Chicken, khu vực trao đổi mua bán đá quý chủ yếu ở Kabul, trở nên nhộn nhịp hơn hẳn so với năm 2006. ruby có thể tìm mua tại Jegdalek và Tajikistan và vài lô hàng cũng có sự trộn lẫn giữa đá thiên nhiên và đá nhân tạo, đá xử lý nhiệt (nhóm nghiên cứu khẳng định rằng loại đá này có nguồn gốc từ Châu Phi). Ruby xử lý thủy tinh chì cũng khá phổ biến tại các chợ ở Kabul. Cũng có thể tìm thấy vài lô đá emerald được cho là xuất xứ từ Panjshir và Laghman (Afghanistan), Xinjiang (China), Swat (Pakistan) và Zambia. Tourmaline, kunzite và aquamarine (thông tin là từ Kunar và Nuristan) và spinel hồng từ Tajikistan cũng có thể tìm thấy với nhiều dạng chất lượng và số lượng khá lớn.

(Theo Vincent Pardieu (vpardieu@gia.edu), Phòng giám định GIA, Bangkok trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)

 

Tái Phát Hiện Sapphire Ở Miền Trung Nước Pháp

Hình 4: Những viên sapphire này được tìm thấy vào năm 2009 ở vùng Auvergne, trung tâm của Pháp. Ảnh chụp bởi B. Devouard.

Khu vực Auvergne, vùng cao nguyên phía nam miền trung nước Pháp, là nguồn đá quý quan trọng từ thời Trung cổ đến cuối thế kỷ 19 (F. H. Forestier, “Histoire de l’un des gisements de gemmes le plus anciennement connu d’Europe occidentale: Saphirs, grenats et hyacinthes du Puy-en-Velay [Lịch sử mỏ đá quý xưa nhất ở phía Tây Châu âu: Sapphire, garnet và zircon từ Puy-en-Velay]”, Cahiers de la Haute Loire, 1993, trang 81 – 152). Khu vực này thường chịu ảnh hưởng bởi nhiều loạt phun trào của núi lửa Cenozoic tạo nên các dòng chảy basalt kiềm. Năm 2009, đoàn thăm dò khoáng sản đã đào đãi trong một lòng sông đã tìm được vài nghìn carat khoáng sapphire thô. Các viên đá này có kích thước từ 2 đến 15 mm và có hình dạng bất định với dãy màu từ vàng phớt lục đến xanh phớt lục đến xanh bão hòa như xanh đậm và đen. Tính đa sắc của chúng từ vừa đến mạnh là đặc trưng của sapphire hình thành từ dung dịch magma trong địa hình đá basalt.

Hình 5: Các viên spphire mài giác từ Auvergne với trọng lượng từ 0,3 đến 5,0 ct. Ảnh chụp bởi B. Devouard.

Khoảng 10% (~40 g) đá thô là có chất lượng quý (hình 4) và khoảng hơn mười viên được mài giác (hình 5) bởi thợ mài ngọc Jacques Dreher ở Clermont-Ferrand, thuộc khu vực của thủ đô. Những viên đá này có trọng lượng từ 0,3 – 5,0 ct, chúng thì hầu như không có hoặc có ít tạp chất. Kể từ sau hoạt động khai thác tại mỏ ở Mont Coupet (cũng thuộc Auvergne) trong suốt những năm cuối của thế kỷ 19 thì đến nay ở Pháp, kể cả là toàn bộ Châu Âu người ta không còn tìm thấy sapphire chất lượng quý với trữ lượng lớn.

(Theo Bertrand Devouard (b.devouard@opgc.univ-bpclermont.fr) và Etienne Médard, Laboratoire Magma et Volcans, Blaise Pascal University, CNRS (UMR 6524), Clermont-Ferrand, Pháp và Benjamin Rondeau, Laboratoire de Planétologie et Géodynamique, CNRS (Team 6112), University of Nantes, Pháp và Emmanuel Fritsch trong Gem News International, quyển G&G Winter 2010)

 

Những Thông Tin Mới Về Mỏ Sapphire Ở Miền Nam Madagascar

Vào khoảng tháng 7 và 8 năm 2010, nhóm cộng tác viên có đến thăm khu vực mỏ Ilakaka-Sakaraha và Andranondambo ở miền Nam Madagascar, nơi đây cũng có rất nhiều thành viên là cộng tác viên của tạp chí này (xem danh sách thành viên ở cuối báo cáo này). Ngoài ra việc thu thập thêm mẫu nghiên cứu cho GIA, mục đích của chuyến đi này là nhằm đánh giá tình hình của ngành kinh doanh sapphire trong khu vực này.

Hình 6: Khu vực làm sạch đá sapphire nằm gần làng Ambalavy, khoảng 50 km về phía tây nam Ilakaka. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Được phát hiện vào năm 1998, mỏ khoáng Ilakaka-Sakaraha (hình 6) đã mở rộng hơn 80 km từ công viên quốc gia Isalo kéo dài về hướng Toliara thuộc khu vực bờ biển phía Tây Nam. Nó nhanh chóng trở thành mỏ đá quý quan trọng nhất thế giới, cung cấp một lượng sapphire hồng và xanh rất dồi dào. Mặc dù hơn 99% sapphire xanh là cần phải xử lý nhiệt để có thể tiêu thụ được nhưng cũng có vài viên đặc biệt không có dấu hiệu xử lý nhiệt được tìm thấy mỗi ngày. Mỏ này còn cung cấp những viên sapphire vàng, tím đỏ, tím hoa cà và sapphire “padparascha” màu cam phớt hồng, ngoài ra còn có chryzircon, garnet, spinel và các khoáng quý khác. Mỏ này được khai thác quanh năm chủ yếu bằng các phương pháp thủ công. Nhiều thương buôn đến từ Thailand và Sri Lanka vẫn tiếp tục mua bán tại các cửa hàng trong khu vực này. Hầu hết các lô hàng đều được xuất khẩu sang hai nước trên để xử lý nhiệt và cắt mài trước khi chúng được đưa trở lại thị trường đá quý.

Mỏ đá quý ở Madagascar, đặc biệt là ở Ilakaka, những năm gần đây phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Cụ thể như việc kể từ tháng 2 năm 2008 đến tháng 7 năm 2009, chính phủ Malagasy ban hành lệnh cấm xuất khẩu đá quý. So với những năm 2005 và 2008 thì số lượng thương nhân nước ngoài rõ ràng là đã giảm đi rất nhiều và việc đào bới ở khu vực Ilakaka đã chấm dứt. Kết quả là cộng đồng khai khoáng phải sống trong cảnh thiếu thốn lương thực và các nhu yếu phẩm cần thiết khác và an ninh trong khu vực cũng là vấn đề cần giải quyết.

Năm 2010, chỉ có 3 công ty nhỏ (2 của Thái, 1 của Malagasy) vẫn còn dùng máy móc. Hầu hết các công ty trước đây sử dụng các thiết bị cơ giới hóa trong việc khai khoáng đã rút lui do sự nghèo nàn của thị trường, giá nhiên liệu và thiếu sự ủng hộ của các nhà chức trách Malagasy. Do chính phủ không quản lý chặt chẽ việc khai khoáng bất hợp pháp đã làm cho các công ty khai khoáng hợp pháp và có trách nhiệm gặp rất nhiều khó khăn.

Vào thời điểm mà nhóm nghiên cứu đến thăm khu vực mỏ chính, nằm gần Antsoa, một ngôi làng ven sông Tahera phía đông nam Sakaraha, nơi đây có khoảng 1500 thợ mỏ làm việc, họ được hậu thuẫn bởi những cư dân Sri Lanka và thương buôn địa phương. Antsoa được xem là nguồn cung cấp sapphire xanh tốt nhất, có những viên đá thô đẹp nặng đến 10 g. Nhóm nghiên cứu đã đến hơn 20 địa điểm khác nhau, nơi nào cũng có từ 10 đến 500 thợ mỏ làm việc. Hiện tại ước lượng có khoảng 50.000 người đang kiếm sống được từ việc khai thác sapphire (trực tiếp hoặc gián tiếp) tại Ilakaka – Sakaraha, vào năm 2005 con số này chỉ bằng phân nửa.

Hình 7: Những viên sapphire xanh này có xuất xứ từ Andranondambo. Ảnh chụp bởi V. Pardieu.

Trong khu vực Andranondambo, sapphire xanh được khai thác từ nhiều mỏ trọng yếu. Société d’Investissement Australien à Madagascar, một công ty của Australia, đã khai thác tại khu vực này trong vài năm nhưng đến năm 2009 thì đã ngừng hoạt động. Thời gian gần đây có nhiều nhóm nhỏ các thợ mỏ khai thác thủ công tại khu vực gần Andranondambo, Maromby, Tirimena và Siva. Hầu hết khu vực khai khoáng còn hoạt động là ở Ankazoabo (phía bắc Andranondambo), nơi mà công ty Nantin của Malaysia đang hoạt động sử dụng những máy móc tải trọng nặng cùng với khoảng 200 thợ mỏ sử dụng công cụ cầm tay.

Trong khi nhiều loại đá quý vẫn tiếp tục được khai thác, đặc biệt là sapphire xanh đẹp (hình 7) nhưng lợi nhuận thu được từ việc khai khoáng này ngày càng bị thu hẹp đã tạo nên sự cạnh tranh hết sức dữ dội giữa các thương buôn. Trong khi đó đời sống của thợ mỏ và điều kiện làm việc của họ thì càng lúc càng khó khăn. Hầu hết các công ty khai thác khoáng sản đã ngừng hoạt động và nhiều thương buôn đã phải tính đến chuyện chuyển hướng sang kinh doanh ruby ở Mozambique.

Thay mặt nhóm nghiên cứu xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các cộng sự, đồng nghiệp: Nirina Rakotosaona (Société Minière du Cap, Antananarivo, Madagascar), Marc Noveraz (Switzerland), Richard W. Hughes (Bangkok), Tracy Lindwall (San Francisco), Low Pierre Bryl (Gaspé, Canada), Jazmin Amira Weissgärber Crespo (Mannheim, Germany) và Philippe Ressigeac (Montauban, France) trong chuyến công tác vừa qua cũng như những đóng góp của các bạn cho báo cáo này.

(Theo Vincent Pardieu trong Gem News Interational, quyển G&G Winter 2010)

 

Tourmaline Liddicoatite Mang Nguyên Tố Cu Và Mn

Tạo Màu Xanh “Neon” Đến Lục

Hình 8: Bốn viên tourmaline liddicoatite (1,29 – 1,45 ct) có màu sắc tương tư với vài viên tourmaline loại elbaite Paráiba. Ảnh chụp bởi L. Klemm.

Bốn mẫu đá hình oval, mài giác, màu xanh phớt lục, trọng lượng 1,29 – 1,45 ct, mới đây vừa được đưa đến phòng giám định đá quý Gübelin để giám định (hình 8). Những viên đá này có độ bão hòa, tông màu và sắc độ màu giống với loại tourmaline Paráiba. Kiểm tra bằng các thiết bị ngọc học cơ bản thu được các đặc điểm sau: chiết suất RI – no = 1,640–1,641 và ne = 1,621–1,622; độ lưỡng chiết – 0,018–0,020; và tỷ trọng SG – 3,06–3,08; tất cả các thuộc tính này thì phù hợp với tourmaline. Quan sát dưới kính hiển vi thấy có các ống bao thể nằm song song nhau, một số thì rỗng và số còn lại thì bị thấm màu vàng đến nâu đỏ. Các khe nứt có một phần lấp đầy dung dịch tàn dư hoặc không có dung dịch cũng được nhìn thấy và một phần của các khe nứt có cả các mặt phản chiếu nhỏ và lớn. Kểu bao thể tương tự cũng được nhìn thấy trong vài mẫu tourmaline Paráiba xử lý nhiệt từ Mozambique (theo B. M. Laurs và nhóm nghiên cứu, “Tourmaline mang nguyên tố đồng [kiểu Paráiba] từ Mozambique”, G&G Spring 2008, trang 4 – 30). Cả 4 mẫu vật đều phát quang vừa, màu lục phớt vàng dưới chiếu xạ UV sóng dài và phát quang yếu, màu lục phớt vàng dưới UV sóng ngắn.

Hình 9: Phổ UV-Vis-NIR phân cực trên 4 viên đá trong hình 33 cho thấy sự hấp thu của ion Cu2+ trong vùng màu đỏ (~700 nm) và tăng dần sự hấp thu trong vùng gần hồng ngoại (~900 nm). Đỉnh nhỏ, sắc nét tại ~415 nm là của Mn2+ và sự tăng độ hấp thu về vùng cực tím là do sự dịch chuyển điện tích giữa ion Mn2+ - Ti4+.

Quan sát các mẫu vật này dưới phổ UV-Vis-NIR (hình 9) cũng thu được các đặc điểm tương tự với loại tourmaline Paráiba (xem bài của P. B. Merkel và C. M. Breeding, “Sự khác biệt về quang phổ giữa chất tạo màu là đồng và ion khác trong tourmaline chất lượng quý”, G&G Summer 2009, trang 112 – 119). Tuy nhiên thật ngạc nhiên là khi phân tích phổ LA-ICP-MS thì nhận thấy rằng mặc dù tất cả các mẫu đều là tourmaline chứa Li nhưng hàm lượng Ca nhiều hơn lượng kiềm (Na+K). Phân tích phổ EDXRF cũng ghi nhận lượng Ca nhiều hơn đáng kể so với loại tourmaline Paráiba thường gặp. Tất cả các mẫu đều có một lượng nhỏ Mn và Cu.

Elbaite là tourmaline chứa Li giàu Na; những loại tourmaline chứa Li khác gồm có liddicoatite và rossmanite. Việc xác định các loại tourmaline là rất phức tạp và đến nay người ta đã xác định một loạt gồm 13 thành viên tourmaline khác nhau. Khikhảo sát sơ đồ thành phần hóa học của các mẫu dựa trên biểu đồ tam giác của tourmalien giàu Li thì thấy cả 4 mẫu vật khảo sát đều nằm trong vùng của khoáng liddicoatite (hình 10). Dựa trên những tính toán sử dụng các công cụ mới phát triển gần đây (xem thêm bài viết của L. Klemm và P. Hardy “Xác định các loại tourmaline dựa trên những cải tiến trong phân tích hóa”, Proceedings of the 3rd European Gemmological Symposium, Berne, Switzerland, June 5 – 7, 2009, trang 58 – 59) và phân tích hóa trên từng mẫu bằng phận tích LA-ICP-MS rồi lấy trị số trung bình thành phần hóa của bốn mẫu thì thấy rằng các mẫu này chứa từ 50 – 57 % thành phần là liddicoatite; do đó cả 4 mẫu này đều là tourmaline liddicoatite.

Hình 10: Biểu đồ tam giác về trung bình thành phần hóa học trên 4 mẫu cho thấy tất cả đều nằm trong vùng khoáng liddicoatite. Những vòng tròn màu lục trong vùng khoáng elbaite tương ứng với phân tích của loại tourmaline Paráiba từ Brazil, Nigeria và Mozambique trong mẫu sưu tập của phòng giám định đá qúy Gübelin; tất cả các biểu đồ dữ liệu này đều nằm trong vùng elbaite.

Vài thương nhân mà nhóm nghiên cứu trò chuyện tin rằng những viên đá này là từ Mozambique, gần mỏ khai thác loại tourmaline elbaite Paráiba. Nhóm nghiên cứu còn nghe rằng loại đá liddicoatite thô được tìm thấy trong khu vực này không cần phải xử lý nhiệt mà vẫn có được màu xanh phớt lục đầy hấp dẫn. Đây là ghi nhận đầu tiên về loại tourmaline liddicoatite mang Cu-Mn có màu sắc như thề này.

(Theo Stefanos Karampelas (s.karampelas@gubelingemlab.ch) và Leo Klemm, Phòng giám định đá quý Gübelin, Lucerne, Switzerland-Thụy Sỹ, trong Gem News International quyển G&G Winter 2010)

Các tin khác