CHUYÊN ĐỀ CHALCEDONY (Bản tin tháng 07/2008)

CHUYÊN ĐỀ CHALCEDONY

Tin Giám Định kỳ này dành riêng để đề cập chi tiết về đá chalcedony nhằm giúp khách hàng biết nhiều về chúng và gọi tên chính xác hơn các loại đá này.

Phân biệt chalcedony với thạch anh và opal

Chúng ta đã nghe rất nhiều về đá thạch anh, nhưng ít khi nghe tên chalcedony hoặc opal. Các nhà ngọc học xếp ba đá quý này thành 3 nhóm riêng biệt: thạch anh, chalcedony và opal. Ba nhóm đá này có liên quan ít nhiều với nhau.

Hình 1: Vỏ trái đất rất mỏng. Ở mô hình 3 chiều này, lớp vỏ chỉ là một viền màu cam phủ lên phần bên trong rất dày là các lớp manti và nhân. Hình của Kidsgeo.com.

Lớp vỏ trái đất của chúng ta rất mỏng so với đường kính (12.740 km) của nó, nơi dày nhất là khoảng 60 km. Oxid silic (SiO2) chiếm đến 60% khối lượng của vỏ trái đất (hình 1). Oxid silic là thành phần cơ bản tạo nên hầu hết khoáng chất của lớp vỏ trái đất. Thành phần hóa học của thạch anh và chalcedony là SiO2, opal là SiO2.n(H2O). Cả ba khoáng vật này đều được cấu tạo bởi oxid silic, cho nên chúng rất phổ biến khắp nơi trên trái đất và chúng cũng là những đá quý phổ thông nhất.

Opal là khoáng vật không có cấu trúc tinh thể, gọi là vô định hình. Vật chất trong opal kết lại không theo quy luật (không có ô mạng tinh thể), giống như thủy tinh. Opal luôn ở dạng đặc sít không có đơn tinh, vi tinh hoặc ẩn tinh như thạch anh hoặc chalcedony. Trong ngành đá quý, người ta gọi trường hợp đá có cấu tạo như opal là đá chỉ có một chiết suất. Opal có chiết suất dao động từ 1,37 đến 1,47. Thị trường chia opal thành nhiều loại (các bản tin trước đã đề cập) như opal đen, opal trắng, opal pha lê, opal nước…

Thạch anh là khoáng vật kết tinh, nghĩa là có cấu trúc tinh thể. Hình thái hiện diện có thể là dạng tinh thể riêng biệt (đơn tinh thể) hoặc khối đặc sít gồm nhiều tinh thể nhỏ kết lại. Thị trường đá quý có rất nhiều thạch anh đơn tinh. Thạch anh là đá có hai chiết suất, thường là: 1,553 – 1,544. Thị trường cũng chia thạch anh thành nhiều loại (các bản tin trước đã đề cập) như thạch anh ám khói, thạch anh pha lê, citrine, amethyst…

Chalcedony cũng là thạch anh, nhưng dạng tinh thể rất nhỏ (không lớn như thạch anh) gọi là ẩn tinh. Như vậy, thực chất chalcedony không khác thạch anh về các tính chất hóa lý, mà chỉ khác về kích thước. Với thạch anh, có thể nhìn thấy bằng mắt thường hoặc với độ phóng đại nhỏ. Còn chalcedony, muốn thấy chúng phải dùng kính hiển vi có độ phóng đại lớn, thậm chí ngay cả kính hiển vi ngọc học đôi khi không phân biệt được từng tinh thể của chúng. Chalcedony cũng là thạch anh nên cũng có hai chiết suất nhưng không thể đo được vì tinh thể cực nhỏ. Với chiết suất kế, người ta chỉ đo được một giá trị tương đối là 1,53 hay 1,54. Thị trường chia chalcedony ra nhiều loại hơn so với thạch anh hay opal.  

Tiêu chuẩn phân loại chalcedony

Hình 2: Chalcedony hiện diện với nhiều vẻ, nhiều màu. Hình trên là các sản phẩm làm ra từ đá này. Hình của Bernardine Fine Art Jewelry.

Cũng như những đá quý khác, các nhà ngọc học phân loại chalcedony dựa vào các tiêu chuẩn chính như màu sắc, độ trong, cấu trúc, hiệu ứng quang học, tạp chất đặc biệt… Họ cũng phân loại dựa vào sự kết hợp các tiêu chuẩn. Chalcedony là đá đa khoáng (đa tinh thể) và rất phổ biến, chúng xuất hiện quá nhiều vẻ khác nhau nên được chia ra rất nhiều loại (hình 2).

Màu sắc: Chalcedony xuất hiện với nhiều màu khác nhau như vàng, cam, nâu, đỏ, lục nhạt, xanh dương nhạt, trắng, xám và đen. Tuy nhiên đa số màu ở chalcedony thì nhạt hay quá sẫm, ít có sắc tươi và mạnh như đá ruby, saphia hay emerald. Các đá nhóm này thường phân bố màu không đều và nhiều màu sắc trên cùng một viên đá vì đá hay có những cấu trúc phức tạp. Điều này thấy rõ ở các đá thô lớn, tuy nhiên với những đá thành phẩm nhỏ thì cũng có viên chỉ có một màu. Phân loại theo màu có các đá đặc trưng như carnelian, sard, chrysoprase, prase...

Độ trong: Chalcedony là đá đa khoáng nên hầu như không trong suốt bằng đá đơn khoáng. Độ trong gồm các cấp từ cao đến thấp: nửa trong suốt (bán trong), trong mờ, nửa trong mờ, đục (chắn sáng). Độ trong chỉ có vai trò nhỏ trong phân loại nhóm đá này. Thí dụ các đá như carnelian, sard, chrysoprase… có độ trong thuộc loại cao nhất trong nhóm, đó là từ bán trong đến trong mờ.

Cấu trúc: Chalcedony kết tinh tạo nên nhiều kiểu cấu trúc và màu sắc đặc biệt, làm cho khoáng vật này là một trong những đá có nhiều vẻ đa dạng nhất (hình 3). Chúng có thể có dạng các lớp song song, lớp uốn cong hay góc cạnh, dạng chùm nho hoặc đặc sít, dạng đốm, rêu, phân nhánh và bất kỳ... Phân loại theo cấu trúc có các loại như agate, onyx, gỗ hóa đá…

Ở đá thô lớn, ta thấy các kiểu cấu trúc rõ ràng hơn, còn với các thành phẩm nhỏ xíu thì khó thấy hoặc không thấy chúng… Một viên đá thô có cấu trúc lớp góc cạnh hoặc uốn cong, khi mài thành các viên đá rất nhỏ thì chúng có thể thành dạng đồng nhất không có cấu trúc gì hoặc thành dạng lớp song song.

a) Cấu trúc lớp song song.

b) Cấu trúc lớp cong hay góc cạnh.

c) Cấu trúc chùm nho.

d) Cấu trúc bất kỳ.

Hình 3: Một số cấu trúc của đá chalcedony. Hình tổng hợp từ nhiều tác giả.

Tạp chất đặc biệt: Tạp chất trong chalcedony khi hiện diện nhiều và phân bố theo nhiều kiểu và màu đặc biệt thì tên đá sẽ dựa vào tạp chất này. Thí dụ như agate rêu, agate nhánh cây, agate phong cảnh, chalcedony chrysocolla, chalcedony đốm đỏ.

Hình 4: Hiệu ứng tán sắc: ánh sáng phản chiếu trên bề mặt gồm nhiều lớp đá mỏng bị tán sắc, tạo nên các lớp sáng màu cầu vồng. Hình của Rockman 838.

Hiệu ứng quang học: Đó là hiệu ứng tán sắc (hình 4). Nó xảy ra trên chalcedony khá hiếm, gần giống hiệu ứng lóe màu sặc sỡ ở opal nhưng không phổ biến bằng. Hiệu ứng này là do ánh sáng khi chiếu vào bề mặt đá, gặp các lớp mỏng khác nhau nên tán sắc tạo nên màu cầu vồng trên các lớp. Không phải bất kỳ chalcedony phân lớp nào cũng có hiệu ứng này, mà chỉ một số ít đá có sự sắp xếp các vi tinh tương đối đều đặn mới có hiệu ứng này. Phân loại theo hiệu ứng có các đá là agate lửa, agate tán sắc tùy theo kiểu cấu trúc.

Các loại chalcedony chính

Vì chalcedony quá đa dạng về cấu trúc và màu sắc nên các nhà ngọc đã chia thành nhiều loại để thị trường dễ nhận dạng. Nên nhớ, tất cả các loại đều có thành phần vật chất giống nhau. Chúng tôi chỉ đề cập đến một số loại phổ thông nhất.

Hình 5: Viên chrysoprase lục phớt vàng đẹp, mài dạng cabochon. Hình của Gems TV.

Chrysoprase: Đá có độ trong cao, từ bán trong đến trong mờ. Màu đá chủ yếu là lục phớt vàng từ nhạt đến vừa, đây là một trong các màu đẹp nhất ở chalcedony (hình 5, 6). Đá ít có cấu trúc đặc biệt, những viên thành phẩm có kích thước nhỏ hơn nhiều so với đá thô nên thường có vẻ đồng nhất (hình 5). Chrysoprase có màu sắc và vẻ ngoài giống đá cẩm thạch, cho nên chúng có thể được dùng để thay thế cẩm thạch (jadeite).

Prase: Đá cũng có màu lục như chrysoprase, nhưng chỉ khác về sắc và độ bão hòa. Đá cũng từ bán trong đến trong mờ, tuy nhiên màu thì không đẹp bằng chrysoprase vì màu tối hơn và không tươi bằng chrysoprase (hình 7). Dĩ nhiên là giá trị của nó phải thấp hơn chrysoprase. Prase cũng được dùng để thay thế đá cẩm thạch (jadeite) hay nephrite.

Hình 6: Đá thô chrysoprase màu lục phớt vàng. Hình của Wikipedia.

Hình 7: Đá thô prase màu lục xám. Hình của Australia Opal Mines.

Chalcedony chrysocolla: Đá có độ trong suốt cao, từ bán trong đến trong mờ. Màu đá đẹp nhất là xanh nhạt tươi hoặc màu lục-xanh. Đặc biệt là màu đá này là do tạp chất đặc biệt bên trong (bao thể) gây nên. Các bao thể chrysocolla là khoáng vật chứa đồng có màu xanh dương phớt lục, nằm rải rác hoặc tụ thành từng đám bên trong chalcedony, chính chúng đã tạo màu cho loại đá này. Màu của đá này xanh hơn và ít lục hơn so với chrysoprase.

Chalcedony sữa: Đá mang tên này là do đá có vẻ giống màu sữa. Đá cũng từ trong suốt đến trong mờ. Màu đá từ trắng đến gần không màu, những đá màu này ít được ưa chuộng nên nhiều khi chúng được tẩm các màu khác để dễ bán hơn.  

Hình 8: Hai viên cabochon chalcedony chrysocolla màu xanh phớt lục vừa rất đẹp. Hình của Eric Welch, GIA.

Hình 9: Đá thô chalcedony sữa có dạng kết tinh kiểu chùm nho. Hình của Carnegie Mellon.

Carnelian: Đá từ bán trong đến trong mờ, không có hay có cấu trúc không nổi bật. Đá có tông màu nóng của đỏ và cam như màu cam-vàng đến đỏ phớt cam, đỏ phớt nâu hoặc cam phớt nâu (hình 10). Những đá màu này nếu độ trong cao nhìn dễ bị nhầm với đá opal lửa (đá này trong hơn carnelian). Các màu đỏ, cam của chúng không mạnh bằng các đá đơn khoáng. 

Sard: Đá có tông màu và độ trong giống như carnelian, tuy nhiên sắc thì tối hơn và màu nhạt hơn carnelian. Đá chủ yếu có màu đỏ phớt nâu đến nâu sẫm, cam sẫm. Đá không đẹp bằng carnelian.

Hình 10: Các viên đá thô carnelian màu cam phớt nâu. Hình của Safe Jewelry.

Hình 11: Viên đá thô sard màu cam xám nhạt. Hình của Dkimages.

Agate: Tên gọi đá không phân biệt theo màu mà phân biệt theo cấu trúc. Đá từ bán trong đến chắn sáng. Đá gồm những lớp dày mỏng, màu sắc và độ trong có thể khác nhau, nhưng điểm quan trọng là các lớp này phải có dạng uốn cong hoặc góc cạnh. Nhìn ở dạng đá thô và to thì dễ thấy cấu trúc này. Nếu agate đem mài thành những viên nhỏ thì có thể có một tên gọi khác vì không còn cấu trúc đặc trưng. Sự phân bố của các lớp hết sức khác biệt ở từng viên đá, khối đá, làm cho agate có vẻ đẹp lạ lùng của những hoa văn đặc biệt.

Onyx: Tên gọi đá cũng theo cấu trúc. Đá từ bán trong đến chắn sáng. Đá gồm những lớp song song thẳng hay hơi uốn dợn nhưng không cong nhiều hoặc thành dạng vòng tròn đồng tâm như agate. Các lớp này dày mỏng, màu sắc, độ trong có thể khác nhau. Đôi khi thị trường lại cần gọi tên chi tiết hơn về onyx, nên họ lại phân biệt thành onyx carnelian hay onyx sard.

Hình 12: Hốc đá agate, gồm những lớp đá uống cong và góc cạnh, mỗi lớp có một vẻ riêng. Hình của Andre Du Plessis.

Hình 13: Viên đá thô onyx, gồm các lớp đá song song thẳng hoặc hơi uốn dợn. Hình của Wikipedia.

Onyx sard: Đá có cấu trúc của onyx và màu của sard. Đôi khi còn có thêm những lớp đen và trắng xen kẻ. Thí dụ viên đá ở hình 13 có thể gọi là onyx sard vì có dạng lớp song song thẳng và màu nâu ít bão hòa, có các lớp đen và trắng.

Hình 14: Các viên onyx carnelian có màu cam phớt đỏ đẹp và có dạng lớp song song, đôi khi có lớp màu trắng. Hình của Little Appleton.

Onyx carnelian: Đây là tên ghép của onyx và carnelian. Như vậy đá sẽ có cấu trúc lớp song song thẳng của onyx và có màu của carnelian (hình 14). Đôi khi còn có thêm những lớp đen và trắng xen kẻ. Onyx carnelian trong hình 14 là loại đẹp vì toàn màu cam, đỏ hoặc trắng, không có lớp đen, chúng có giá trị hơn onyx sard vì màu đẹp và tươi hơn.

Hình 15: Viên đá chalcedony đốm đỏ được mài thành dạng tấm dẹp. Chú ý nền màu lục sẫm và các đốm đỏ là tạp chất. Hình của Terri Weimer, GIA.

Hình 16: Viên đá thô agate rêu có màu nền trắng, và các tạp chất màu lục đậm giống như rêu mọc trên đá. Hình của Wikipedia.

Chalcedony đốm đỏ: Thị trường còn gọi là đá máu hay heliotrope. Tên gọi của đá là do tạp chất trong đá đặc biệt. Đá từ bán trong đến chắn sáng. Màu nền của đá là lục sẫm, đến lục đen. Tạp chất  đặc biệt là những đốm tròn màu đỏ đến nâu đỏ, phân bố riêng lẻ hay kết theo dạng chùm nho. Nhìn vào đá nền sẫm màu, thấy các vết đỏ như máu (hình 15).

Agate rêu: Tên đá cũng dựa vào dạng tạp chất đặc biệt. Các tạp chất trong đá là những đốm màu lục, màu đen hay nâu phân bố rải rác hoặc tụ lại, nhìn giống như rêu mọc trên đá (hình 16). Đá từ bán trong đến chắn sáng.

Hình 17: Viên đá agate nhánh cây. Các tạp chất sẫm màu phân bố theo hình nhánh cây. Hình của Andre Du Plessis.

Hình 18: Sự phân bố các lớp đá và tạp chất tạo nên phong cảnh trong đá agate. Hình của Bob’s Rock Shop.

Agate nhánh cây: Tên đá dựa vào tạp chất đặc biệt. Là đá agate, có các tạp chất màu sẫm phân bố theo hình giống nhánh cây (hình 17). Đá từ bán trong đến chắn sáng.

Agate phong cảnh: Sự phân bố các lớp đá hay các tạp chất trong đá tạo nên một cảnh vật đặc biệt giống như trong thiên nhiên. Đá từ bán trong đến chắn sáng. Những đá có vẻ thế này dù nhỏ hay lớn thường được mài làm sao để giữ được hết những cảnh vật ấy, rồi dùng làm trang sức hay trang trí.

Hình 19: Đá thô agate tán sắc. Chú ý các lớp tán sắc màu xanh da trời sáng lên. Hình của Carol J. Bova.

Hình 20: Đá thô agate lửa. Phần tán sắc phân bố theo từng vùng nhỏ như các đốm lửa. Hình của Anre Du Plessis.

Agate tán sắc: Đá từ bán trong đến trong mờ. Tên đá dựa vào hiệu ứng tán sắc tạo màu cầu vồng theo từng lớp (hình 19).

Agate lửa: Đá từ bán trong đến chắn sáng. Đá nền thường có màu nâu đến nâu sẫm. Trên mặt có hiệu ứng tán sắc màu cầu vồng thường theo cấu trúc chùm nho hoặc theo vùng, theo đốm (hình 20).

Hình 21: Các viên chalcedony trên đây có thể gọi là jasper. Hình của Colored Stones.

Jasper: Đá từ bán trong đến chắn sáng. Đây là loại chalcedony có cấu trúc bất kỳ (hình 21), không giống bất cứ loại nào đã nêu trên nên không thể gọi theo những tên ấy, vì vậy ta gọi chúng là jasper.

Chalcedony thường có các dạng lớp và các cấu trúc đặc biệt, nên nhiều người hay dùng từ agate để gọi tên loại đá này với những đặc tính đính kèm như ta thấy ở trên, tuy nhiên chúng ta nên dựa vào các định nghĩa của các loại. Thật sự để gọi tên chính xác loại chalcedony thì người phân loại phải có chút kinh nghiệm. Nếu thật sự bạn bối rối với việc gọi tên, có thể dùng duy nhất tên chalcedony vẫn đúng.

Những xử lý trên đá chalcedony

Hình 22: Ba viên đá này là chalcedony nhạt màu được tẩm màu xanh dương vừa. Hình của Colored Stones.

Hình 23: Hai viên bên trái là chrysoprase, viên bên phải là chalcedony tẩm màu lục đậm và không thể gọi là chrysoprase. Hình của Eric Welch, GIA.

Xử lý phổ biến trên chalcedony là tẩm màu. Những đá không màu, màu trắng hay các màu nhạt được tẩm thêm màu để tạo nên các màu đậm hơn và đẹp hơn. Các màu thường tẩm là những màu tươi như xanh dương, xanh lá cây hoặc màu cam đỏ và thậm chí cả màu đen.

Thông thường đá chalcedony hiếm khi có màu xanh dương vừa đến đậm, nếu có chỉ là màu  nhạt. Chalcedony màu lục tự nhiên đẹp nhất thì cũng không phải là lục đậm, mà là lục vừa và phớt vàng. Trường hợp thấy đá có màu xanh vừa đến đậm hoặc lục đậm thì bạn có thể nghi đá bị tẩm màu. Rất tiếc là việc xác định tẩm màu ở chalcedony khá khó, muốn xác định chúng phải dùng một số thiết bị giám định mà không phải ai cũng có.

Các dạng sản phẩm

Hình 22: Một chuỗi đeo tay bằng chalcedony bán ở Việt Nam. Hình của Giám Định Rồng Vàng SJC.

Chalcedony được sử dụng rộng rãi trên thị trường bình dân của thế giới. Tại Việt Nam, chúng được bán nhiều ở các quày hàng đá mỹ nghệ. Với khoảng vài trăm ngàn đồng bạn có thể sắm cho mình một trang sức bằng chalcedony.

Chalcedony thường được chế tác thành nhiều dạng: hạt cabochon, hạt tròn có lỗ, các mảnh có hoa văn, chạm nổi, chạm chìm và vật điêu khắc. Ta có thể dùng các sản phẩm này để làm thành các loại trang sức như nhẫn, bông tai, mề đay, vòng đeo tay, vòng cổ. Ngoài ra với những mảnh, khối chalcedony có hình dạng ổ hay có cấu trúc đặc biệt được mài bóng một mặt để làm vật trang trí trong nhà.