LỊCH SỬ VÀ TRUYỀN THUYẾT VỀ KIM CƯƠNG
Kim cương có một lịch sử lâu dài, nó là những đối tượng đáng ao ước về cái đẹp. Vào thế kỷ thứ nhất Công nguyên, nhà tự nhiên học người La Mã, Pliny đã tuyên bố: “Kim cương là thứ quý giá nhất, không chỉ đối với đá quý, mà còn của tất cả mọi thứ trên thế giới này”.
Đến đầu những năm 1900, De Beers đã kiểm soát khoảng 90% sản lượng kim cương thô của thế giới. Kim cương thuộc sở hữu của De Beers.
Một viên kim cương phải trải qua rất nhiều quá trình từ khai thác, vận chuyển, mua bán, chế tác, …, trước khi nó được đặt trong tủ trưng bày của thợ kim hoàn. Nó hình thành ở sâu trong lòng đất dưới nhiệt độ và áp suất cực lớn. Sau đó, chúng bị đẩy mạnh lên phía trên cho đến khi đến hoặc gần bề mặt trái đất. Tiếp theo, nó buộc phải rời khỏi nơi ẩn náu bởi các yếu tố thiên nhiên hoặc bởi con người. Kế đến, nó bị tách ra khỏi đá chủ và được cắt gọt, mài, rồi đánh bóng cho đến khi vẻ đẹp tự nhiên của nó tỏa sáng.
Niềm yêu thích kim cương trên thế giới được bắt đầu ở Ấn Độ, nơi kim cương được tích tụ trong các con sông và dòng suối. Một số nhà sử học ước tính rằng Ấn Độ đã giao thương mặt hàng kim cương sớm nhất là vào thế kỷ thứ IV trước Công nguyên. Các nguồn mỏ của quốc gia này cung cấp số lượng hạn chế cho một thị trường cũng hạn chế không kém: Ấn Độ có các tầng lớp rất giàu có. Dần dần, điều này đã thay đổi. Kim cương Ấn Độ đã tìm thấy đường của nó, cùng với các hàng hóa đẹp kỳ lạ khác, chúng được mang đến Tây Âu trong các đoàn lữ hành để đến các thị trường Venice thời Trung Cổ. Vào những năm 1400, kim cương đã trở thành phụ kiện thời trang cho giới thượng lưu Châu Âu.
Vào đầu những năm 1700, khi nguồn cung kim cương của Ấn Độ bắt đầu giảm, Brazil nổi lên như một nguồn quan trọng mới. Kim cương được phát hiện trong hố trũng do thợ đào vàng tạo ra khi họ đào đất để sàn, rây các cuội sỏi ở các dòng sông nội địa. Giai đoạn hoàng kim, Brazil đã thống trị thị trường kim cương trong hơn 150 năm.
Trong lúc các nguồn mỏ khai thác thay đổi, thị trường kim cương cũng đã trải qua sự tiến hóa của riêng mình. Các tầng lớp thống trị cũ, người tiêu thụ kim cương lớn nhất, đã bị suy giảm vào cuối những năm 1700. Những biến động chính trị như Cách mạng Pháp đã dẫn đến những thay đổi trong việc phân phối của cải.
Những năm 1800 đã mang lại sự sung túc ngày càng tăng cho Tây Âu và Hoa Kỳ. Các nhà thăm dò khoáng sản đã tìm được những mỏ kim cương lớn đầu tiên ở Nam Phi vào cuối những năm 1800 khi nhu cầu kim cương ngày càng rộng khắp.
Câu chuyện về thị trường kim cương hiện đại thực sự bắt đầu ở lục địa Châu Phi, với phát hiện vào năm 1866 về kim cương ở Kimberley, Nam Phi. 22 năm sau, doanh nhân Cecil Rhodes đã thành lập De Beers Consolidated Mines Limited, vào năm 1888. Đến năm 1900, De Beers, thông qua việc khai thác các mỏ ở Nam Phi, đã kiểm soát khoảng 90% sản lượng kim cương thô trên thế giới.
Các nguồn mỏ ở Nam Phi ảnh hưởng đến nhiều phân khúc của ngành công nghiệp kim cương. Điều này đặc biệt đúng khi khai thác kim cương chuyển từ khai thác bề mặt sang việc khai thác sâu dưới lòng đất. Do chi phí rất lớn và sản lượng tương đối thấp, các nguồn mỏ mới đã buộc phải phát triển các kỹ thuật khai thác hiệu quả hơn. Chúng tạo ra nhu cầu tiếp thị tốt hơn. Chúng cũng tạo ra những tiến bộ trong việc cắt mài và đánh bóng – những tiến bộ nhằm tăng hiệu quả, giảm chi phí và cải thiện vẻ bề ngoài của đá thành phẩm.
Vào những năm 1870, sản lượng kim cương thô hàng năm đạt dưới một triệu carat. Đến những năm 1920, con số này là khoảng ba triệu carat. Năm mươi năm sau, sản lượng hàng năm đạt gần 50 triệu carat và trong những năm 1990, nó đã vượt qua 100 triệu carat mỗi năm.
Vào cuối những năm 1970, các nguồn mỏ khai thác kim cương thô quan trọng nhất thế giới là Nam Phi, Zaire (nay đổi tên thành Cộng hòa Dân chủ Congo) và Liên Xô cũ. Trong những năm 1980, sản lượng kim cương chất lượng cao từ Nga và Nam Phi vẫn tương đối ổn định, nhưng sản lượng kim cương chất lượng thấp ở Zaire đã tăng hơn gấp đôi.
Năm 1982, một mỏ mới có năng suất cao ở Botswana đã được thêm vào bản đồ về nguồn cung cấp kim cương trên thế giới. Nó là nguồn cung cấp kim cương chất lượng cao, mỏ Jwaneng đã thúc đẩy khai thác kim cương ở Botswana, đưa quốc gia này lên hàng thứ ba trên thế giới về tổng sản lượng kim cương được khai thác và thứ hai về giá trị kinh doanh kim cương. De Beers ký hợp đồng với chính phủ Botswana, để mua sản phẩm khai thác từ các mỏ và Botswana bắt đầu xây dựng ngành công nghiệp cắt mài kim cương của riêng mình.
Việc khai thác kim cương trên thế giới đã mở rộng đáng kể với việc phát hiện ra các nguồn mỏ ở Úc vào năm 1985 và các nguồn mỏ mới quan trọng ở miền Bắc Canada vào năm 2000.
Thị trường có lẽ đã thay đổi nhiều, nhất là sau năm 1990 kể từ khi phát hiện ra kim cương năm 1866 ở Nam Phi và sự thành lập của công ty De Beers. Những năm 1990 đã mang đến những nguồn mỏ mới đầy tiềm năng và khuyến khích sự phát triển mạnh mẽ của một số trung tâm cắt mài kim cương. Tất cả điều này đã diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới biến động mạnh mẽ.
Là một trong những đơn vị chủ chốt tham gia thương mại, De Beers cũng phải thay đổi. De Beers ngày nay có chút giống với De Beers năm 1989. Công ty đã giảm đáng kể vai trò là người giám sát nguồn cung cấp kim cương. Thay vì được đưa vào thị trường chỉ theo con đường duy nhất từ kênh phân phối của De Beers, giờ đây kim cương đến với thị trường thông qua nhiều kênh khác nhau.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều thay đổi. Bất kể con đường gì đưa kim cương đến người tiêu dùng, nó vẫn đi từ các mỏ rồi đến các trung tâm cắt mài và cuối cùng đến khách hàng bán lẻ.
Sự huyền bí và danh tiếng của kim cương đã khiến chúng được ao ước trên khắp thế giới, như để trang trí cho trang sức và đồng hồ. Ảnh của © GIA & Tino Hammid, sản phẩm thuộc sở hữu của Suzanne Tennenbaum.
Vẻ đẹp lộng lẫy của kim cương đã được đánh giá cao trong nhiều thế kỷ, nhưng không có nhiều kiến thức khoa học về nó từ trước thế kỷ XX. Kể từ đó, kiến thức về kim cương đã phát triển ổn định, với nghiên cứu của các nhà hóa học, vật lý học, nhà địa chất, nhà khoáng vật học và nhà hải dương học. Chỉ sau 50 năm, các nhà khoa học đã nghiên cứu được rất nhiều về cách kim cương hình thành và cách chúng vận chuyển lên đến bề mặt Trái Đất. Kiến thức đó đã giúp dễ dàng dự đoán vị trí cho những phát hiện nguồn mỏ kim cương mới. (Còn tiếp)