Phòng giám định Ricerche e Analisi Gemmelogiche (RAG) ở Turin, Italy có nhận 3 mẫu khoáng màu lục đậm trong có vẻ giống như là cẩm thạch hay nephrite (hình 1). Không có thông tin nào về nguồn gốc của các mẫu này. Khoáng vật này ở dạng phiến mỏng, dày không quá vài milimeter, có cấu trúc hạt mịn tạo nên một nền màu lục đậm và vài đốm nhỏ màu trắng.
Hình 1: Lát mẫu được đánh bóng (dài ~32 mm) trông giống như cẩm thạch hay nephrite nhưng thực ra nó là một loại đá được hợp thành từ khoáng fuchsite, albite và sphene. Ảnh chụp bởi R. Navone.
Chỉ số chiết suất RI của các mẫu nằm trong khoảng 1,53 và 1,56 được đo bằng chiết suất kế sử dụng kỹ thuật quan sát từ xa. Tỷ trọng SG là 2,78 và độ cứng Mohs từ 5 - 5½. Loại khoáng này trơ dưới cả UV sóng ngắn và sóng dài và dưới phổ kế cầm tay thấy vạch hấp thu không rõ trong vùng màu đỏ đậm của quang phổ. Các mẫu này có sự phân bố màu khá đồng đều và không thấy có đặc tính cát khai. Nhìn sơ qua thì chúng có thể từ tự nhiên hoặc nhân tạo do chúng nhìn giống như một loại bột nén với nhiều loại chất làm cứng trung gian.
Hình 2: Xem dưới nguồn sáng phân cực vuông góc, lát mỏng từ mẫu đá có màu giao thoa rực rỡ tương ứng với muscovite chứa Cr, phần màu xám với độ nổi thấp là albite (giữa) và các hạt có độ nổi cao, màu giao thoa cao chính là sphene. Ảnh chụp hiển vi bởi E. Costa.
Được sự cho phép của khách hàng, một lát mỏng được cắt ra từ mẫu đá để kiểm tra dưới kính hiển vi phân cực (hình 2). Chất nền gồm một tập hợp các lá mỏng không màu đến lục với độ nổi thấp và màu giao thoa bậc thấp, phù hợp với các khoáng chất trong nhóm mica. Lát mỏng này cũng được nghiên cứu tại khoa Khoáng Vật Học thuộc trường đại học Turin bằng thiết bị là kính hiển vi điện tử chụp cắt lớp hiệu Cambridge S-360 kết hợp với phổ phân tán năng lượng Oxford INCA. Phổ phân tán năng lượng quét hiển vi điện tử SEM-EDS xác định khoáng này là fuchsite, muscovite chứa nhiều chromium (Cr) màu xanh (trong trường hợp này, hàm lượng Cr2O3 là 1,0 – 1,5 wt.%). Ngoài ra còn có sự hiện diện của khoáng anhedral màu xám và một khoáng màu trắng với độ nổi thấp; được cho là albite. Cuối cùng còn quan sát thấy một số bao thể có độ nổi cao, màu nâu đến vàng đậm và đen phớt nâu với màu giao thoa bậc cao; chúng được xác định là sphene.
Hình 3: Cấu trúc của đá màu lục được thể hiện rõ qua hình ảnh electron tán xạ ngược của lát mỏng trong hình 2; muscovite chứa Cr (xám nhạt), albite (xám đậm) và sphene (trắng). Vùng màu đen là các lỗ rỗng cực nhỏ trong đá. Hình ảnh của E. Costa.
Hình 3 cho thấy hình ảnh SEM electron tán xạ ngược của lát mỏng, trong đó tông màu xám tương ứng với số nguyên tử trung bình của từng pha. Phần nền màu xám nhạt là muscovite chứa Cr, vùng màu xám đậm là albite và phần màu trắng là sphene.
Không phát hiện thấy sự tẩm nhuộm, tẩm polymer hay chất nào khác và cấu trúc của khoáng chứng tỏ nó hoàn toàn tự nhiên. Tóm lại, phiến đá mỏng này được cắt mài và đánh bóng từ một đá biến chất có cấu trúc hạt mịn chứa phần lớn khoáng fuchsite. Loại đá này có màu xanh hấp dẫn và có thể dùng để mài dạng cabochon hay điêu khắc, tuy nhiên phải cẩn trọng vì độ cứng của nó tương đối thấp. Các viên đá dạng cabochon chứa một tập hợp khoáng fuchsite cũng đã được nhìn thấy trước đây (các đá nhái emerald; xem phần Gem News International quyển G&G Summer 2002, trang 183 – 184), nhưng chúng không trong suốt bằng mẫu khoáng trong báo cáo này và ngoài fuchsite, chúng còn chứa các bao thể rutile và dolomite, còn mẫu hiện tại thì lại mang các tạp chất albite và sphene. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Emanuele Costa (emanuele.costa@unito.it), Department of Mineralogy and Petrology, University of Turin, Italy và Raffaella Navone, RAG Gemological Laboratory, Turin trong Gem News International, quyển G&G Fall 2011)