Thông thường thì hạt nhân cấy cho ngọc trai nuôi nước ngọt cũng như nước mặn sẽ được lấy từ vỏ của loài trai nước ngọt. Đôi khi các vật liệu khác như vỏ của trai nước mặn, gốm sứ, nhựa hay sáp cũng được sử dụng làm hạt nhân cấy ngọc tuy nhiên những vật liệu này không được dùng phổ biến do tỷ lệ đào thải hạt nhân và tỷ lệ gây chết trai mẹ là rất lớn (theo P. C. Southgate và J. S. Lucas, Eds., The Pearl Oyster – Ngọc Của Loài Trai, Elsevier, Amsterdam, 2008).
Gần đây, phòng giám định GIA có nhận giám định hai mẫu màu nâu phớt vàng (cả hai có đường kính ~8 mm, hình 4). Khi quan sát vị trí trung tâm của các hạt qua ảnh chụp phóng xạ hiển vi thì thấy một điểm đáng chú ý là các tia X trong suốt hơn so với đặc trưng thường thấy của loại nhân cấy bằng vỏ trai nước ngọt. Cả hai hạt này cho thấy rõ sự đồng nhất về đường ranh hạt nhân với lớp xà cừ và lỗ khoan, mặc dù các viên ngọc trai nuôi này chưa được khoan lỗ. Một viên có chỗ lõm nhẹ ở bề mặt tương ứng với một đầu lỗ khoan.
Cộng với những kiểm tra ngọc học khác (như phát quang cực tím, quang phổ phản xạ cực tím đến vùng nhìn thấy được và phân tích EDXRF) xác định hai mẫu này là từ loài nhuyễn thể nước mặn Pteria sterna, một loài có nguồn gốc từ vùng biển Cortez ở Mexico. Mặc dù tác giả thường nhìn thấy ngọc trai nuôi có các hạt nhân cấy gần xuyên thấu đối với tia X và đã được đăng tin vài trường hợp trong mục Lab Notes của tạp chí G&G (ví dụ trong quyển Summer 1988, trang 114 – 115; Spring 1994, trang 45) nhưng với lần này GIA đã quyết định tìm kiếm mẫu ngọc trai như thế từ khách hàng để đầu tư cho tương lai cũng như làm bằng chứng rằng loại này đã từng được xác định.
Hình 4: Ngọc trai nuôi từ loài Pteria sterna (trái, đường kính ~8 mm) được xác định là có nhân cấy bằng nhựa. Chụp X quang cắt lớp hiển vi trên mẫu cùng loại (giữa) cho thấy tia X gần như xuyên thấu qua phần hạt nhân cấy cũng như lỗ khoan. Khi mẫu đầu tiên được cưa đôi (phải) sẽ quan sát thấy bên trong là nhân cấy bằng nhựa màu trắng. Ảnh chụp bởi Jian Xin (Jae) Liao (trái); Nicholas Sturman (giữa); Chunhui Zhou (phải).
Một trong hai mẫu đã được kiểm tra bằng phương pháp chụp X quang cắt lớp hiển vi để có được nhiều hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong của chúng (hình 4, giữa). Kết quả từ các hình ảnh được chụp rất chi tiết đã xác nhận rõ ràng sự đồng nhất về hình dạng hạt nhân và lỗ khoan. Mẫu thứ hai được cắt làm đôi để có thể quan sát bằng mắt và phân tích phổ Raman. Quan sát phần hạt nhân lộ ra có thấy nó ở dạng bán trong suốt, màu trắng với vẻ ngoài giống nhựa (hình 4, phải) và nó dễ dàng bị trầy khi dùng que kim loại rạch lên. Phổ Raman cho thấy một đỉnh nổi trội tại 997 cm-1, điều này phù hợp với phần lớn nhóm chức thơm có thể là một loại polystyrene (loại nhựa cứng).
Đây là lần đầu tiên phòng giám định GIA ghi nhận về nhân cấy bằng nhựa trên loài động vật nhuyễn thể Pteria sterna. Liệu loại vật chất dùng làm nhân cấy không mấy điển hình này có trở nên phổ biến hơn hay không vẫn là điều chưa biết được. (Công Ty TNHH Giám Định Rồng Vàng – SJC lược dịch theo Chunhui Zhou và Akira Hyatt trong Lab Notes, quyển G&G Fall 2011)